Nghỉ hè, trẻ em đối mặt các trò chơi nguy hiểm - Các mẹ nên chú ý

Có thể kể tới như: bắn súng cao su, trượt cầu thang, đánh nhau bằng que, đấu kiếm, nhảy ngựa, lộn dây thun, chơi khăng, trượt patin...

Người lớn cần chú ý, theo dõi và nhắc nhở các em.

Nguyên nhân và hậu quả của các trò chơi nguy hiểm

Các trò chơi nguy hiểm gây tai nạn thương tích cho trẻ em xảy ra với nhiều nguyên nhân khác nhau như: do đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, do sự bất cẩn, chủ quan của người lớn và do môi trường sống có những yếu tố nguy cơ.

Về đặc điểm tâm sinh lý của trẻ: trẻ em thường rất hiếu động, tò mò, thích khám phá; chưa có ý thức và nhận thức được sự nguy hiểm của các trò chơi nguy hiểm hoặc sự nguy hiểm của việc mình làm trong khi chơi như vừa nhảy dây vừa ăn kẹo dễ dẫn đến hóc nghẹn hoặc rút ghế khi bạn khác đứng dậy...

Đồng thời, trẻ chơi với một số trò chơi không đúng luật hoặc không theo đúng các quy định an toàn khi chơi cũng có thể gây nguy hiểm. Thể lực sức khỏe sự khéo léo và các phản xạ tự nhiên của trẻ phát triển chưa toàn diện đã góp phần cho các tai nạn thương tích xảy ra.

Về sự bất cẩn, chủ quan của người lớn: những người lớn có trách nhiệm đối với trẻ như phụ huynh, người chăm sóc trẻ thầy cô giáo, phụ trách đoàn thể... do thiếu ý thức, thiếu hiểu biết về các mối nguy hiểm đối với các trò chơi nguy hiểm để xây dựng các biện pháp chủ động phòng ngừa cho trẻ nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho những tai nạn thương tích xảy ra.

Về môi trường có những yếu tố nguy cơ: những nơi trẻ vui chơi không bảo đảm an toàn như sân chơi, sàn đất, nền nhà của lớp học không bằng phẳng, có vật nhọn, mảnh vỡ chai lọ... có thể gây tai nạn thương tích.

Đồng thời, các dụng cụ chơi không an toàn như đu quay, xích đu, máng trượt hay một số trò chơi bằng điện như đi tàu hỏa, đu quay, thú nhún, trượt máng... tại các khu vui chơi giải trí công cộng có thể gây tai nạn cho trẻ. Một vấn đề cần quan tâm là các rào chắn không hợp lý, sân chơi không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật cũng góp phần tạo nên tai nạn thương tích.

Các trò chơi nguy hiểm gây tai nạn thương tích cho trẻ em thường để lại những hậu quả xấu như bị gãy lưng, gãy cổ, gãy tay, gãy chân hoặc bị tổn thương các bộ phận khác ở trong cơ thể; có thể bị thương ở mắt làm hỏng mắt hay mù mắt.

Ngoài ra, tai nạn thương tích có thể làm chảy máu ở bên ngoài hoặc xuất huyết trong nội tạng; đập đầu xuống đất gây chấn thương sọ não Trường hợp trẻ chơi đùa, chọc phá tổ ong cũng có thể bị hậu quả tai nạn thương tích do ong đốt.

Xử trí tai nạn thương tích do trò chơi nguy hiểm

Nguyên tắc chung là cần khẩn trương nhanh chóng tách đưa trẻ khỏi địa điểm xảy ra tai nạn và tác nhân gây nên tai nạn như khi trẻ đang chọc phá tổ ong và bị ong đốt, trượt cầu thang và bị ngã hoặc bị va đạp vào bàn ghế...

Điều quan trọng cần động viên, an ủi trẻ để trẻ không quá lo sợ; từ đó trẻ sẽ phối hợp, cộng tác trong việc sơ cấp cứu tai nạn thương tích cho trẻ. Vấn đề này tưởng chừng như đơn giản nhưng khó thực hiện vì nếu không quan tâm, chú ý đến chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn trong việc sơ cấp cứu.

Một nguyên tắc cũng không kém phần quan trọng là việc sơ cấp cứu cần phải được thao tác nhanh, đúng yêu cầu các động tác; nếu thao tác không nhanh và không đúng sẽ làm cho tình trạng tai nạn thương tích thêm trầm trọng.

Cách xử trí các trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích do trò chơi nguy hiểm gây nên có chỉ định khác nhau tùy theo từng trường hợp. Vì vậy, cần báo ngay cho nhân viên y tế và gia đình trẻ phải có mặt để cùng phối hợp sơ cấp cứu, tiếp đó đưa trẻ đến cơ sở y tế nơi gần nhất để tiếp tục được xử trí.

Nếu trẻ bị xước da, tổn thương phần mềm, chảy máu thì phải động viên, an ủi trẻ; rửa vết thương bằng nước sạch hay nước muối nhạt; dùng bông gòn sạch gạt nhẹ đất cát, dị vật trên bề mặt vết thương; lau sạch chung quanh vết thương bằng cồn iod loãng hoặc thuốc đỏ, thấm khô vết thương; sau đó đặt gạc hoặc miếng vải sạch lên vết thương và băng lại.

Phòng tránh tai nạn thương tích do trò chơi nguy hiểm

Để phòng tránh tai nạn thương tích ở trẻ em do các trò chơi nguy hiểm gây nên, cần hướng dẫn cho trẻ nhận biết môi trường an toàn như nơi chơi, đồ chơi, trò chơi bảo đảm an toàn; hướng dẫn trẻ thực hiện đúng các trò chơi có luật và những quy định an toàn khi chơi.

Một vấn đề không thể thiếu là phải giáo dục trẻ nhận biết và ý thức được hậu quả để tránh tham gia các trò chơi nguy hiểm như: nhảy từ trên cao xuống, nhảy ngựa, bắn súng cao su, rút ghế khi bạn khác đứng dậy... Tuyệt đối không cho trẻ được chơi chạy đuổi nhau, đùa vui ở những chỗ nguy hiểm; không dùng các loại đồ chơi có thể gây nguy hiểm như: súng bắn sỏi, súng bắn nước, súng bắn bằng dây thun, súng bắn đạn cao su...

Cần hướng dẫn cụ thể cho trẻ biết phải làm gì khi bị tai nạn thương tích do các trò chơi nguy hiểm gây nên: gọi mọi người đến giúp đỡ, cho uống nước động viên, an ủi nạn nhân.

Nếu có điều kiện nên hướng dẫn và tổ chức cho các em được tham gia các hoạt động vui chơi giải trí an toàn và lành mạnh có sự quản lý, giám sát trách nhiệm của người lớn như: các đợt tham quan, cắm trại, chơi các trò chơi lành mạnh và an toàn.

Xây dựng môi trường an toàn cũng góp phần rất lớn đến việc giảm thiểu các tai nạn thương tích do các trò chơi nguy hiểm gây ra, như: xây dựng khu vui chơi giải trí riêng cho trẻ em tại cộng đồng; đồ dùng, trang thiết bị vui chơi cho trẻ phải an toàn; có biển báo nguy hiểm, biển cấm như cấm đi, cấm trèo... đặt ở những nơi cần thiết.

Một trách nhiệm của người lớn phải được đặt ra trong biện pháp phòng ngừa là tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc hướng dẫn, giám sát các hoạt động vui chơi của trẻ; bảo đảm trẻ được chơi vui, khỏe, lành mạnh và an toàn.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật