Đây là thói quen ăn cơm nguy hiểm của nhiều người Việt, hãy thay đổi ngay trước khi gia đình bạn 'rước' đủ thứ bệnh

Để bày tỏ sự hiếu khách, chúng ta thường gắp đồ ăn vào bát của nhau. Tuy nhiên theo các chuyên gia, ăn cơm chan canh hay gắp thức ăn cho nhau đều là những thói quen nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh.

Nên từ bỏ ngay thói quen ăn cơm chan canh

Vào mùa hè, nhiều người có thói quen ăn cơm chan canh để tạo cảm giác mát mẻ và dễ nhai nuốt hơn. Thế nhưng, đây lại là một thói quen xấu mà nhiều chuyên gia khuyên nên thay đổi.

Trước đây, chuyên gia tư vấn sức khỏe Shonali Sabherwal (Ấn Độ) cảnh báo, thói quen uống nước trong bữa ăn gây cản trở năng suất làm việc của hệ tiêu hóa. Và việc chan canh khi ăn cơm cũng sẽ đem lại hậu quả tương tự. Nhiều nghiên cứu cho thấy, cùng lúc tiêu thụ thực phẩm vừa có chất rắn lại có chất lỏng thì sẽ khiến quá trình tiêu hóa bị chậm lại, gây hại cho dạ dày.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), khi chúng ta ăn cơm, cơ thể rất cần có một lượng nước nhất định để có thể hỗ trợ tiêu hóa đó là nước bọt. Thông qua việc nhai, enzyme trong nước bọt sẽ tiết ra nhằm hỗ trợ hấp thụ và tiêu hóa thức ăn. Sau đó, hỗn hợp này sẽ được chuyển dần xuống dạ dày, ruột từ từ.

Tuy nhiên, nếu chan canh vào cơm thì lượng nước lại quá nhiều, khiến phần thức ăn mà chúng ta tiêu thụ sẽ bị đẩy xuống dạ dày quá nhanh. Thức ăn không được nghiền kỹ sẽ khiến hệ tiêu hóa phải hoạt động nhiều hơn để xử lý.

Vị chuyên gia này khuyến cáo, nếu giữ thói quen ăn cơm chan canh lâu ngày, chúng ta sẽ khiến hệ tiêu hóa bị quá tải, vô tình rước bệnh cho cơ thể. Ngoài ra, ăn cơm chan canh còn gây loãng dịch tiêu hóa khiến dinh dưỡng có trong thực phẩm được cơ thể hấp thụ ít hơn.

Theo các chuyên gia, chúng ta nên tập ăn cơm khô nhai chậm, nhai kĩ để bảo vệ sức khỏe và đường tiêu hóa, cũng như tập các thói quen ăn uống khoa học cho con trẻ từ bé, để tránh các bệnh đáng tiếc về sau. Bên cạnh việc chan canh vào cơm, chúng ta cũng không nên vừa ăn vừa uống trong mỗi bữa cơm, đặc biệt là các loại nước có ga. Vì trong các loại nước có ga thường chứa lượng lớn carbon dioxide gây áp lực, dẫn đến tình trạng đau dạ dày cấp.

Từ bỏ thói quen gắp thực phẩm cho nhau - "thủ phạm" gieo rắc nguy cơ loét, ung thư dạ dày

Bác sĩ Cao Hồng Phúc (Học viện Quân Y) cho biết: "Trong khoang miệng và trong hệ tiêu hóa có chứa rất nhiều vi khuẩn, khi chúng ta dùng đũa của mình để gắp thức ăn cho người khác, vi khuẩn này sẽ đi theo dịch tiêu hóa bám trên đũa và dính vào thức ăn của người đối diện, trong đó có thể là vi khuẩn Helicobacter pylori (HP), viêm gan A, viêm gan E, vi khuẩn lỵ, vi khuẩn thương hàn, vi khuẩn quai bị…".

Theo khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam (VNAGE), thì Việt Nam có trên 80% dân số bị nhiễm vi khuẩn HP. Có nhiều đường khác nhau gây lây lan vi khuẩn, tuy nhiên HP lại có nhiều trong nước bọt, cao răng, niêm mạc dạ dày của người bệnh, lan truyền qua người lành chủ yếu qua đường ăn uống.

Theo các chuyên gia, bình thường thì vi khuẩn HP không gây hại nhưng đối với những người bị viêm loét dạ dày thì vi khuẩn HP có thể gây ra tình trạng loét nặng hơn, lâu ngày có thể tiến triển thành ung thư dạ dày.

Thói quen dùng đũa của mình gắp thức ăn cho người khác có thể lây truyền vi khuẩn HP.

Thói quen dùng đũa của mình gắp thức ăn cho người khác có thể gây hại cho sức khỏe nên tốt nhất chúng ta nên thay đổi, không nên dùng chung đũa, ăn chung bát, thìa, chấm chung bát nước mắm, uống chung cốc rượu…

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật