Bạn nhất định phải biết: Trẻ hóa độ tuổi mắc bệnh nhồi máu cơ tim

Áp lực từ cuộc sống hiện đại gắn liền với lối sống gấp có thể đẩy con người đến gần hơn, nhanh hơn với những cơn đau tim bất chợt.

Trong một nghiên cứu của tiến sĩ Matthew Dupre và các đồng nghiệp ở ĐH Duke (Mỹ) đã chỉ ra mối liên hệ giữa thất nghiệp và nguy cơ bị nhồi máu cơ tim. Theo đó, mất việc không chỉ ảnh hưởng tới thu nhập mà còn làm tăng nguy cơ đau tim, nhất là trong năm đầu tiên bị sa thải. 

Nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp ở những người mất việc 1 lần hay nhiều lần sẽ cao hơn những người chưa từng bị mất việc. Kết luận này là một cảnh báo đáng lưu ý với tất cả mọi người, nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim không chỉ dành riêng ở lứa tuổi trung niên và người già như trước đây mà dần đang trẻ hóa và đe dọa những người trẻ tuổi bởi lối sống gấp gáp và các áp lực tâm lý từ thất nghiệp.

Những biểu hiện của bệnh

Trong một lần tư vấn, bạn trẻ 19 tuổi có đưa ra tình trạng: “Một buổi sáng thức dậy tôi cảm thấy lồng ngực bỗng dưng đau nhói và chỉ khoảng 3-5 giây là hết đau. Cơn đau của tôi rất lạ, lâu lâu bị nhói ở ngực và có cảm giác mỏi, đau ở phía sau cổ. Đó có phải là nhồi máu cơ tim”.

Mặc dù đau nhói lồng ngực trái chỉ là một triệu chứng không đủ để chẩn đoán là nhồi máu cơ tim với độ tuổi 19 nhưng bạn đừng bỏ qua những dấu hiệu trên mà hãy tìm đến các cơ sở y tế uy tín để kiểm tra tim mạch tổng quát bao gồm thử máu có đường huyết hay mỡ máu cao hay không. Nhiều trường hợp đã tử vong chỉ vài giờ sau khi cơn đau thắt ngực bắt đầu. Hiểu biết các dấu hiệu của bệnh nhồi máu cơ tim là rất cần thiết.

Đau ngực dữ dội là triệu chứng thường gặp và điển hình nhất của bệnh nhồi máu cơ tim. Cơn đau ngực thường xuất hiện ở vị trí sau xương ức, có thể lan lên cằm, vai hoặc cánh tay trái. Đau kiểu nặng ngực, cảm giác như ai đó bóp nghẹt quả tim, có thể bắt đầu từ từ và chỉ kéo dài vài phút. Đau có tính chu kỳ và lặp lại, đau tăng khi cử động và gắng sức làm người bệnh không dám cử động mạnh.

Khó thở: Thường xuất hiện kèm với đau ngực nhưng trong nhiều trường hợp, khó thở chỉ xuất hiện đơn độc. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như: vã mồ hồi, hồi hộp, chóng mặt, buồn nôn, tim đập nhanh, mặt tái nhợt, cảm thấy mệt nhọc… hoặc có những trường hợp không có triệu chứng lâm sàng rõ rệt.

Cần phải làm gì để đề phòng?

Không cần nói thì bất cứ ai trong chúng ta cũng hình dung được sự nguy hiểm của chứng bệnh nhồi máu cơ tim. Để phòng tránh bệnh này cần có những nguyên tắc sống lành mạnh từ khi chúng ta còn trẻ.

Đó là tránh khói thuốc vì thuốc lá sẽ làm cứng các thành động mạch, tạo điều kiện thuận lợi làm tăng cholesterol trong máu và làm tăng áp lực động mạch.

Tránh để dư thừa trọng lượng cơ thể, hạn chế các loại chất béo bão hoà (nhất là các chất béo có nguồn gốc động vật), hạn chế muối, đường và rượu, ăn nhiều hoa quả.

Dành tối thiểu 30 phút mỗi ngày đi bộ hoặc chạy bộ, thực hiện mỗi tuần hai buổi tập luyện các loại hình vận động đòi hỏi sức bền như bơi, đạp xe, đi bộ theo nhịp rảo bước. Tuy nhiên luyện tập thể thao quá mức sẽ gây ra những kết quả trái ngược.

Tránh căng thẳng thần kinh tâm lý và luôn chủ động đề phòng bệnh tái phát. Để đề phòng tái phát, trong trường hợp khẩn cấp bệnh nhân cần được trang bị các loại thuốc giãn mạch để sử dụng kịp thời khi xuất hiện các cơn đau co thắt ngực gây ra do mạch vành tim bị co thắt hoặc bán tắc. Ngoài ra, cần thăm khám định kỳ theo khuyến cáo của thầy thuốc.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật