Gia tăng nguy cơ mắc cúm gia cầm nếu ăn tiết canh

Tỉ lệ lưu hành vi rút cúm gia cầm A/H5N1 và cúm A/H5N6 dù chưa đủ phát bệnh nhưng nếu ăn tiết canh, các món tái chín từ gia cầm có vi rút, thì người ăn rất dễ “dính” cúm gia cầm.

Đó là cảnh báo từ ông Đàm Xuân Thành, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN - PTNT) khi trao đổi với phóng viên Thanh Niên để tư vấn và hướng dẫn người tiêu dùng chọn lựa sản phẩm gia cầm an toàn khi các loài vi rút cúm gia cầm đang vào giai đoạn chuyển mùa, phát triển.

Thống kê từ Cục Thú y, hiện tại cả nước có 7 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 và cúm A/H5N6 tại 6 tỉnh, gồm: Nam Định, Nghệ An, Đồng Nai, Bạc Liêu, An Giang, Sóc Trăng. Qua theo dõi và giám sát, các dịch cúm này ở Việt Nam đã trở thành dịch cúm địa phương, các ổ dịch phát sinh lẻ tẻ, rải rác và không có hiện tượng lây lan rộng.



Ở địa bàn, cụm dân cư địa phương có các dịch cúm này, dù đã được bao vây ngăn chặn và dập dịch, gia cầm được kiểm soát chặt chẽ, nhưng người dân nên hạn chế sử dụng các sản phẩm gia cầm mà nên chờ qua 21 ngày, tính từ khi các gia cầm bị cúm được tiêu huỷ, điểm phát hiện gia cầm nhiễm cúm được dọn sạch khử trùng sạch sẽ.

Còn với địa phương không có dịch, người dân yên tâm sử dụng các sản phẩm thịt trứng bình thường, nhưng nên chọn mua sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, ở các cơ sở uy tín, có kiểm soát thú y và chỉ ăn khi đã được nấu chín, không ăn các món chế biến tái, sống.

Đặc biệt, người dân tuyệt đối không nên ăn tiết canh các loài thuỷ cầm. Qua giám sát trong vài năm trở lại đây trên các loài thuỷ cầm (ngan, vịt,…), tỉ lệ lưu hành vi rút cúm A/H5N6 và cúm A/H5N1 luôn từ 1 - 7%, tuỳ thuộc vào điều kiện thời tiết.

“Dù không phát bệnh trên các loài thuỷ cầm nhưng nếu người ăn tiết canh, các món chế biến tái, sống từ thuỷ cầm như trống sống, tái thực phẩm không được nấu chín có mang vi rút thì nguy cơ nhiễm cúm cho người là rất cao. Người dân tuyệt đối không nên sử dụng”, ông Thành nói.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật