Trật khớp vai trong thể thao và vận động mạnh hay tái phát vì sao?

Trật khớp vai là bệnh lý thường gặp do chấn thương ở người trẻ tuổi. Chấn thương thường xảy ra trong sinh hoạt hoặc thể thao, tai nạn giao thông do ngã chống tay hoặc chống khuỷu, cánh tay dạng, đưa ra sau và xoay ngoài. Trật khớp vai dễ bị tái lại nhiều lần ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động tay của người bệnh. Trên thực tế, có bệnh nhân bị trật khớp vai tái hồi tìm đến thầy lang hoặc tự nắn sửa không đúng chuyên môn dẫn đến tình trạng nắn khớp sai kỹ thuật, bất động không đủ thời gian khiến tình trạng trật khớp tái diễn nhiều lần hơn.

Ca bệnh điển hình

Bệnh nhân Ng.T.V. (17 tuổi, Hà Nội) kể: Trong một lần đi đánh bóng chuyền không may bị trật khớp vai phải. Anh được các bác sĩ ở địa phương nắn trở lại bình thường. Thời gian sau đó đi chơi thể thao thì khớp vai phải bị trật trở lại, khi tới bệnh viện ở địa phương được các bác sĩ nắn lại và gần đây nhất do sơ ý trong sinh hoạt anh bị ngã nên khớp vai phải lại trật. Anh được cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Tại đây, sau khi chụp cộng hưởng từ khớp vai, các bác sĩ chẩn đoán anh bị rách tổ chức phần mềm phía trước ổ khớp, là nguyên nhân gây ra trật khớp vai tái diễn, cần phải phẫu thuật càng sớm càng tốt. Ngay sau đó, anh đã được tiến hành khâu tái tạo sụn viền bằng kĩ thuật Bankart, thời gian mổ mất khoảng 1 tiếng, kết quả phẫu thuật tốt và bệnh nhân được ra viện trong ngày hôm sau.

Tại sao trật khớp vai?

Khớp vai là một khớp chỏm cầu, vì thế biên độ vận động của khớp lớn. Chỏm to, hõm khớp bé, có một sụn viền quanh khớp để tăng cường cho khớp. Khớp vai là khớp dễ bị trật nhất trong cơ thể, thường xảy ra khi té chống tay, đập vai, chấn thương trực tiếp vào vùng vai hoặc những tổn thương nhỏ nhưng lặp đi lặp lại trong các hoạt động hằng ngày hoặc chơi thể thao làm lỏng lẻo dây chằng bao khớp. Các yếu tố thuận lợi gây trật khớp: khớp vai có biên độ vận động lớn, chỏm to hõm nông, các dây chằng bao khớp ở trước dưới yếu.

Dễ bị trật nhiều lần

Sau lần trật đầu tiên, khớp vai có khả năng trật lại nhiều lần khác gây ra tình trạng trật khớp vai tái hồi. Tổn thương thường xảy ra trong một chấn thương trật khớp vai trước, thường với vai ở tư thế dạng và xoay ngoài. Khi đầu chỏm xương cánh tay bị đẩy về phía trước, các cấu trúc sụn viền - bao khớp của vai bị kéo căng và thường bị rách. Khi chỏm xương cánh tay trượt xa hơn về phía trước, một tổn thương lún xương xảy ra ở mặt sau trên chỏm xương cánh tay khi nó tiếp xúc với phần trước ổ chảo. Tổn thương các cấu trúc mô mềm phía trước đặc biệt nghiêm trọng trong trường hợp trật khớp tái diễn vì các yếu tố ổn định tĩnh của khớp vai (ví dụ, bao khớp, sụn viền) ngày càng trở nên suy yếu sau mỗi lần tái phát trật khớp. Sự suy yếu này lại càng làm chỏm xương cánh tay bị tổn thương do phần xương xốp tương đối mềm này lại tiếp tục bị tỳ nén bởi phần xương ổ chảo trước cứng hơn.

Trật khớp vai tái hồi không chỉ ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày, sức lao động và khả năng chơi thể thao của người bệnh mà còn gây thoái hóa khớp vai và giảm chức năng vai về sau. Do nhu cầu hoạt động vai nhiều. Khi bị trật nhiều lần sẽ gây rách rộng thêm các cấu trúc sụn viền và dây chằng bao khớp, lâu ngày làm khuyết xương, gãy mảnh xương, rách gân cơ chóp xoáy dẫn đến khớp vai lỏng lẻo, mất chức năng và yếu lực nên sức vận động sẽ kém đau vai và khó khăn trong các hoạt động đặc biệt là tư thế giơ tay cao quá đầu.

Tuân thủ điều trị

Khi chấn thương bị trật khớp vai, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được các bác sĩ khám và điều trị đúng kỹ thuật. Đã có bệnh nhân bị trật khớp vai tái hồi tìm đến thầy lang hoặc tự nắn sửa không đúng chuyên môn dẫn đến tình trạng nắn khớp sai kỹ thuật, bất động không đủ thời gian khiến tình trạng trật khớp tái diễn nhiều lần hơn.

Đối với trật khớp vai mới: có bệnh nhân cần gây mê để nắn, thêm thuốc giãn cơ nắn nhẹ nhàng và  bất động bằng đai tư thế vai dang-xoay ngoài đủ thời gian, hướng dẫn cách tập phục hồi chức năng nhằm lấy lại tầm vận động khớp, sức mạnh cơ bắp nhằm sớm trở lại sinh hoạt hàng ngày, lao động nặng và chơi lại thể thao.

Đối với trật khớp vai tái diễn: sau khi xác định tổn thương cần dựa vào các thăm dò hình ảnh chuyên biệt như cộng hưởng từ hoặc chụp cắt lớp vi tính có dựng hình 3D. Một số tác giả mô tả các tổn thương trên Xquang thường quy và các tư thế chuyên biệt cũng như siêu âm tuy nhiên thường có ý nghĩa với những tổn thương khuyết xương lớn. Điều trị không phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp tổn thương nhỏ. Các chỉ định phẫu thuật cho tổn thương phụ thuộc vào ý nghĩa lâm sàng của tổn thương và triệu chứng của trật khớp.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật