Chữa thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng theo cách dân gian bằng thài lài trắng

Cây thài lài trắng còn có tên là cỏ lài trắng, rau trai,... là loại cây thảo mọc bò, có rễ ở các mấu, gần như không lông, có thân mềm dài 0,5-1,5m. Lá thon hay xoan thon, chóp nhọn, bẹ có rìa lông. Mo rộng ở gốc ít khi có lông, trong mỗi mo có 3-5 hoa xếp thành xim có cuống. Hoa nhỏ, màu xanh lơ. Quả nang, chứa hạt đen. Mùa ra hoa tháng 5-9, quả tháng 6-11.

Thài lài trắng mọc nhiều ở nơi đất ẩm, ruộng vườn bãi hoang. Người ta lấy toàn cây quanh năm để làm thuốc ở một số nơi, người ta hái ngọn non để luộc hoặc nấu canh.

Theo Đông y, thài lài trắng có tính hàn, vị ngọt nhạt; có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, giải độc, lợi thủy, tiêu thũng.

Một số bài thuốc kinh nghiệm dân gian

Chữa viêm họng: Thài lài trắng tươi 30g rửa sạch, cho 750ml nước sắc còn 200ml chia 2 lần uống trong ngày, có thể giã nát (cho thêm một chút muối), vắt lấy nước cốt ngậm và nuốt dần. Ngày 2 lần sáng tối, dùng liền 5 ngày.

Hỗ trợ chữa tăng huyết áp: Thài lài trắng tươi 60-90g, hoa cây đậu tằm 12g, tất cả rửa sạch, cho 800ml nước sắc còn 300ml, uống thay trà trong ngày. Mỗi liệu trình 10-15 ngày.

Chữa kiết lỵ: Thài lài trắng tươi 30g (hoặc khô 10g), rửa sạch, đổ 700ml nước, sắc còn 150ml nước, chia 2-3 lần uống trong ngày, dùng liền 5 ngày.

Hỗ trợ điều trị phong thấp: Thài lài trắng 40g, rửa sạch, thái nhỏ và đậu đỏ 40g. Đậu đỏ, rửa sạch, đổ 800ml nước ninh nhừ, cho thài lài trắng vào đun nhỏ lửa 10 phút, thêm chút đường, ăn cả nước lẫn cái. Mỗi liệu trình 5-10 ngày.

Chữa bí tiểu: Thài lài trắng tươi 30g mã đề tươi 30g, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt, thêm chút mật ong vào uống lúc đói bụng Dùng liền 5 ngày.

Chữa mụn nhọt sưng đau (chưa vỡ mủ): Thài lài trắng tươi rửa sạch, giã nát, thêm chút rượu nóng, đắp vào chỗ sưng đau rồi băng cố định lại trong 2 giờ, ngày thay thuốc một lần.

Chú ý: Những người tỳ vị hư hàn không nên dùng.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật