Kháng sinh nào gây nguy cơ tiêu chảy cao, các bạn nên cẩn trọng hơn

Clostridium difficile (C. difficile) là chủng gây ra 20-30% số trường hợp tiêu chảy liên quan đến kháng sinh và là nguyên nhân thường gặp nhất trong tiêu chảy do nhiễm khuẩn. Về mặt lý thuyết, bất kỳ kháng sinh nào cũng có thể gây ảnh hưởng lên hệ vi khuẩn đường ruột khiến C. difficile phát triển và sinh độc tố. Tuy nhiên, mức độ nguy cơ nhiễm khuẩn ruột do C. difficile của mỗi kháng sinh là khác nhau.

Bình thường trong đường ruột luôn tồn tại một quần thể vi khuẩn lành tính với nhiều loài khác nhau. Các vi khuẩn này luôn duy trì ở thế cân bằng, nhằm tăng cường quá trình tiêu hoá, hấp thụ chất dinh dưỡng thải trừ các chất độc hại, kìm hãm và làm mất tác dụng của các vi khuẩn gây bệnh ở đường ruột.

Kháng sinh là một chất mà ngay ở nồng độ thấp nhất cũng có khả năng tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của vi khuẩn. Kháng sinh có nhiều nhóm khác nhau, trong mỗi nhóm có nhiều loại biệt dược.

Vì vậy khi muốn sử dụng một loại kháng sinh nào đó người thầy thuốc phải biết được kháng sinh đó thuộc nhóm nào, nhất là khi muốn kết hợp kháng sinh.

Một số phân tích đã được thực hiện để đánh giá nguy cơ gây nhiễm khuẩn ruột do C. difficile của kháng sinh như phân tích gộp của Deshpande A (năm 2013), phân tích gộp của Brown KA (năm 2013), tổng quan hệ thống và phân tích gộp của Vardakas KZ (năm 2016). Kết quả phân tích cho thấy clindamycin là kháng sinh có nguy cơ gây nhiễm khuẩn ruột do C. difficile cao nhất (nguy cơ tăng gấp 17-20 lần so với không sử dụng kháng sinh).

Các kháng sinh khác có nguy cơ cao gây nhiễm khuẩn ruột do C. difficile bao gồm fluoroquinolon, cephalosporin, aztreonam và carbapenem (nguy cơ tăng gấp 5 lần so với không sử dụng kháng sinh). Penicilin, macrolid và sulfonamid/trimethoprim là những kháng sinh có nguy cơ gây nhiễm khuẩn ruột do C. difficile ở mức độ trung bình (nguy cơ tăng gấp 1,8-3,3 lần so với không sử dụng kháng sinh); trong đó, nguy cơ của penicilin cao hơn so với macrolid và sulfonamid/trimethoprim.

Vì vậy, cần đặc biệt thận trọng khi lựa chọn kháng sinh trên những bệnh nhân có nguy cơ cao nhiễm khuẩn ruột do C. difficile bao gồm bệnh nhân cao tuổi, thường xuyên dùng kháng sinh, nhập viện và có thời gian nằm viện kéo dài. Cần tránh sử dụng clindamycin trên những bệnh nhân này.

Đối với bệnh nhân viêm phổi mắc phải tại cộng đồng, có thể sử dụng tetracyclin thay thế cho azithromycin hoặc một macrolid khác. Đối với những trường hợp nhiễm khuẩn nặng, cần sử dụng kháng sinh để điều trị bao vây vi khuẩn Pseudomonas, có thể cân nhắc lựa chọn kháng sinh nhóm penicilin thay thế cho cephalosporin hoặc carbapenem.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật