Những tản mạn mùa xuân - Ngày Tết cổ truyền

Mùa Xuân thật đẹp. Đẹp về thiên nhiên, thời tiết, khí hậu, con người, mơ ước, hy vọng,…Nếu có tầm nhìn hướng thượng thì mùa xuân còn tốt đẹp hơn gấp bội phần. 

Tản mạn Mùa xuân

"Mùa xuân lại đến, cho hoa lá khoe tươi, cho muôn người vui cười. Tình xuân nồng ấm, bao chan chứa hồn thơ yêu thương giờ chớm nở. Chúa chính mùa xuân, mùa yêu thương vô tận, mùa an vui vô ngần…"

Đó là lời ca trong nhạc phẩm "Chúa là Mùa Xuân" của Linh mục nhạc sĩ Thái Nguyên. Thật vậy, không có món quà Tết nào quý cho bằng tặng cho nhau cả Mùa Xuân.

Ngày xuân muôn hoa đua nở rực rỡ

Ngày xuân muôn hoa đua nở rực rỡ

Mùa xuân là thời điểm bắt đầu và cũng là thời điểm kết thúc của một chu trình tự nhiên: Xuân - Hạ - Thu - Đông. Sự chuyển dịch của vũ trụ làm cho muôn loài, muôn vật và muôn sự không ngừng thay đổi. Mùa đông sẽ qua đi và chúng ta được sống trong những ngày xuân.

Xuân là tín hiệu của khởi đầu, là phơi phới của những lộc non, là dìu dịu của những hương thơm....Sống giữa trời đất, xuân đem đến cho con người biết bao hy vọng. Không có mùa xuân thì đất trời còn gì là sự sống. Không có hy vọng thì cuộc đời đâu có ý nghĩa. Cho nên xuân được chờ đợi và chào đón!

Mai vàng khoe sắc đón xuân

Mai vàng khoe sắc đón xuân

Người ta thường nói đón xuân, chứ không nói đón đông hoặc đón hè. Đón xuân là đón hy vọng, đón an vui. Vì thế, khi đón xuân chúng ta khấn nguyện cho mình và cầu chúc cho mọi người được hạnh phúc. Mỗi khi xuân sang cây cỏ đâm chồi nảy lộc, con người thấy lòng bâng khuâng vì một năm đã qua, với nhiều nuối tiếc, có thất bại và thành công, có hạnh phúc và đau khổ.

Tết đến xuân về là dịp đoàn tụ yêu thương gửi lời chúc năm mới tốt lành

Tết đến xuân về là dịp đoàn tụ yêu thương gửi lời chúc năm mới tốt lành

Đón xuân còn là dịp đoàn tụ, yêu thương, tha thứ, cùng tận hưởng và chia sẻ niềm hạnh phúc. Gặp nhau, ai cũng tay bắt mặt mừng, có gì sai sót trong năm cũ cũng bỏ qua hết, và trao nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Lời chúc dạt dào hơn cả là niềm hy vọng, niềm an vui. Hy vọng vào những gì tốt đẹp nhất sẽ đến với bản thân gia đình anh em, bạn bè....

“MÙNG MỘT TẾT CHA – MÙNG HAI TẾT MẸ - MÙNG BA TẾT THẦY”

Câu nói dân gian ấy dường như đã đi sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam mỗi khi Tết về. Cả một năm dài các thành viên trong gia đình thường là mỗi người một việc, ít có thời gian để ngồi quây quần bên nhau. Chính vì vậy mà ngày Tết là thời gian để mọi người cùng ôn lại chuyện xưa và cầu chúc cho nhau thêm một năm mới bình an và hạnh phúc.

Tết sum vầy bên gia đình yêu thương

Tết sum vầy bên gia đình yêu thương

Và câu nói "mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy" chính là lịch trình để mọi người đi lại, thăm hỏi nhau trong 3 ngày tết.

Nhà cha là nhà bên họ nội. Ngày mùng Một thiêng liêng nhất nên ai cũng về từ đường bên họ nội cúng gia tiên, viếng thăm, mừng tuổi và chúc Tết họ hàng. 

Sang đến ngày mùng 2, cả gia đình sẽ sang nhà bên ngoại. Nghi thức cũng tương tự như bên nội. 

Sang ngày mùng 3 là tết Thầy. Người Thầy có một vị trí cao trong quan niệm của dân gian. Điều đó cho thấy rằng đạo lý "tôn sư trọng đạo" của dân tộc ta quả là rất tốt đẹp. 

Đầu năm đi chúc Tết gia đình, người thân, thầy cô

Đầu năm đi chúc Tết gia đình, người thân, thầy cô 

Tết Nguyên đán - Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, kỳ nghỉ lễ dài nhất trong năm, quả là một khoảng thời gian đẹp để mọi người gặp gỡ, chúc cho nhau những điều tốt đẹp trong năm mới. Tết còn với một ý nghĩa sum họp, sum vầy gắn kết mọi người gần nhau hơn, cũng là dịp để nghỉ ngơi sau một năm bận rộn trong công việc.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật