Ứng phó hỏa hoạn bằng các thiết bị chống cháy nên biết

Sau một số vụ hỏa hoạn liên tục xảy ra ở các chung cư, thời gian gần đây, thị trường thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC) và thoát hiểm nhà cao tầng tại Hà Nội bất ngờ sôi động.

Người dân sống ở các chung cư chú ý hơn, mua thiết bị về đề phòng. Hầu hết các chủ cửa hàng chuyên bán thiết bị PCCC đều cho biết lượng khách đến cửa hàng để tìm mua thiết bị an toàn tăng đột biến. Các thiết bị được người dân hỏi mua nhiều nhất là mặt nạ phòng độc, bình chữa cháy loại nhỏ, búa thoát hiểm, thang dây, balô thoát hiểm… Người dân cần nắm được thao tác sử dụng và bảo quản các vật dụng này.

Mặt nạ chống độc

Hầu hết các nạn nhân tử vong trong các vụ cháy do bị ngạt khí. Khi hít phải khói, khí độc, cơ thể người sẽ dễ rơi vào trạng thái ngất lịm và tử vong chỉ trong vài phút. Vì vậy, mặt nạ chống độc là thiết bị không thể thiếu trong bộ sản phẩm thiết bị cứu hỏa gia đình bạn. Thiết bị này có thể lọc khói, khí độc trong vòng 30 phút, tạo khoảng thời gian để người dân tìm lối thoát hiểm hoặc chờ lực lượng chức năng đến giải cứu.

Mặt nạ chống độc là thiết bị không thể thiếu trong bộ sản phẩm cứu hỏa gia đình.

Mặt nạ chống độc là thiết bị không thể thiếu trong bộ sản phẩm cứu hỏa gia đình.

Ròng rọc, dây thoát hiểm

Ròng rọc thoát hiểm là thiết bị rất hữu dụng trong tình huống xảy ra hỏa hoạn ở tòa nhà cao tầng khi lửa khói bao phủ cầu thang bộ thoát hiểm. Ròng rọc thoát hiểm gồm các bộ phận: dây thừng, đai, ròng rọc, móc. Với cơ chế tự hãm và có bộ điều khiển tốc, đây được coi là thiết bị khá hữu dụng khi gặp sự cố hỏa hoạn để thoát từ tầng cao xuống đất. Dây thoát hiểm hiện nay có nhiều sản phẩm trên thị trường và đều có tính năng chống lửa. Thiết bị này được tích hợp gọn gàng trong balô gồm 1 móc an toàn, 1 cáp chống cháy. Móc được gắn trong văn phòng hoặc nhà ở, ban công. Khi xảy ra hỏa hoạn, người dùng đeo balô lên vai, thắt dây an toàn rồi móc cáp vào móc, sau đó từ từ leo xuống. Nhờ vậy, người dân sẽ hạn chế bớt các công đoạn xử lý khi có sự cố và không cần tập luyện nhiều. Trường hợp gia đình có trẻ em thì nên trang bị thêm dây đai phụ dành cho trẻ em dưới 7 tuổi. Mỗi gia đình nên trang bị từ 1 - 2 bộ sản phẩm như thế này để có biện pháp thoát hiểm khi gặp bất trắc.

Chăn dập lửa

Chăn dập lửa hay còn gọi là chăn chữa cháy cũng rất cần thiết khi xảy ra hỏa hoạn. Tác dụng của chăn có thể sử dụng để dập tắt đám lửa nhỏ bằng cách trùm chăn trực tiếp lên đám cháy. Mặt khác, bạn cũng có thể sử dụng chăn dập lửa quấn vào cơ thể để vượt qua đám cháy.

Búa thoát hiểm

Rất nhiều trường hợp nạn nhân do quá hoảng loạn và không có dụng cụ hỗ trợ đã bị tử vong khi bị mắc kẹt trong phòng kín. Chính vì thế, chiếc búa thoát hiểm để phòng trừ trường hợp cửa phòng, lối thoát hiểm bị khóa trái.

Bình cứu hỏa mini

Đối với nhiều trường hợp phát hiện điểm bùng phát khi ngọn lửa còn nhen nhóm thì việc sử dụng bình cứu hỏa mini sẽ hạn chế cháy lan, bùng phát cháy lớn và giảm được nhiều thiệt hại do cháy nổ gây ra.

Về các lưu ý khi sử dụng bình cứu hỏa với các điểm cháy nhỏ, người dân ngoài việc đọc kỹ hướng dẫn sử dụng kèm theo bình thì cần lưu ý bình bột chữa cháy thường được sử dụng là loại bình có ký hiệu ABC-2; ABC-4; ABC-8 hoặc BC-2; BC-4; BC-8. Tuỳ theo mỗi loại bình chữa cháy có thể dập tắt được các đám cháy chất rắn, lỏng, khí cháy, đám cháy điện và thiết bị điện mới phát sinh.

Đặt ở nơi khô ráo, thoáng gió, tránh những nơi có ánh nắng và bức xạ nhiệt mạnh, nhiệt độ cao nhất là 50 độ C. Phải thường xuyên kiểm tra bình theo quy định của nhà sản xuất hoặc ít nhất 3 tháng/lần. Nếu kim chỉ dưới vạch xanh thì phải nạp lại khí.

Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý để các dụng cụ này ở nơi dễ thấy, dễ lấy thuận tiện cho việc chữa cháy. Bên cạnh ý thức phòng cháy, người dân cũng cần phải tham dự các buổi tập huấn định kỳ về an toàn PCCC tại nơi mình sinh sống để trang bị những kỹ năng cần thiết khi xảy ra sự cố. Có như vậy, khi sự cố xảy ra mới đủ bình tĩnh để xử lý tình huống.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật