Bạn có biết những điều về Y học phục hồi & vật lý trị liệu?

Đây là hai ngành thống nhất nhưng không đồng nhất, vì tuy chúng có mục tiêu chung song chức năng nhiệm vụ khác nhau.

Y học phục hồi và (YHPH) và vật lý trị liệu (VLTL) có mục tiêu chung là phục hồi hình thể và chức năng nhằm khôi phục khả năng hoạt động vốn có của người khuyết tật mắc phải (do chấn thương hoặc tai nạn) và giúp người khuyết tật bẩm sinh có những hoạt động gần như người bình thường, nhưng có chức năng và nhiệm vụ cụ thể khác nhau. Hai mục tiêu này liên quan chặt chẽ với nhau, phục hồi hình thể cốt để phục hồi chức năng (PHCN), thí dụ điều chỉnh chân bị tật và biến dạng cốt để bệnh nhân đi lại được.

Tuy nhiên, có khi phục hồi được hình thể nhưng chức năng không hồi phục được, thí dụ: phục hồi hình thể vú bị phẫu thuật loại bỏ do ung thư nhưng chức năng tiết sữa không còn.

Những sự khác biệt

Y học phục hồi - còn gọi là phục hồi chức năng - một chuyên khoa của bác sĩ với chức năng tự mình hoặc phối hợp các chuyên khoa khác thực hiện các biện pháp điều trị nội khoa dùng thuốc ngoại khoa - phẫu thuật và nhiều kỹ thuật khác, trong đó có kỹ thuật vật lý. Có Hội Quốc tế về YHPH (International Rehabilitation) chủ yếu gồm những bác sĩ YHPH từ gần 90 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.

Vật lý trị liệu là một chuyên khoa về kỹ thuật y học thuộc các khoa học sức khỏe hỗ trợ, chuyên thực hiện những kỹ thuật vật lý không dùng thuốc trực tiếp tác động lên người khuyết tật để điều trị như nhiệt trị liệu, điện trị liệu, thủy trị liệu, laser trị liệu, xoa bóp…

Những người thực hiện các kỹ thuật này là điều trị viên vật lý mà ở ta gọi là kỹ thuật viên VLTL. Có hội quốc tế về vật lý trị liệu gồm hơn 50 hội quốc gia thành viên. Ở Việt Nam chưa có hội toàn quốc, nhưng có hội VLTL của TP.HCM.

Về đào tạo thì vật lý trị liệu có đủ các cấp: trung cấp, cao đẳng, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ; ở những nước tiên tiến như Mỹ, Úc… có phó giáo sư và giáo sư (nhiều người đã sang VN); ở ta cấp đào tạo cao nhất là cử nhân.

bệnh viện của ta có khoa PHCN (tức là khoa YHPH), trong đó bác sĩ YHPH phụ trách và những điều dưỡng viên cùng những điều trị viên vật lý. Bác sĩ YHPH đóng vai trò chủ đạo trực tiếp thực hiện các biện pháp chẩn đoán và điều trị nội - ngoại khoa, điều dưỡng viên thực hiện y lệnh và chủ động kế hoạch chăm sóc bệnh nhân, điều trị viên vật lý (hay kỹ thuật viên VLTL) thực hiện các kỹ thuật điều trị theo phương pháp vật lý.

Cũng có bệnh viện có khoa vật lý trị liệu tiếp nhận các bệnh nhân từ khoa PHCN hay các khoa phòng khác cần điều trị bổ sung bằng các kỹ thuật vật lý. Có nơi tổ chức khoa VLTL-PHCN. Dù làm việc ở những khoa riêng hay ở cùng một khoa thì bác sĩ YHPH làm việc theo chức năng chuyên nghiệp của mình và điều trị viên VLTL cũng vậy và phối hợp chặt chẽ với nhau.

Trong quá trình điều trị, bác sĩ PHCN có thể cần sự phối hợp của các chuyên khoa khác như: hoạt động trị liệu chuyên huấn luyện bệnh nhân các hoạt động hàng ngày (đi lại, nặn tượng, vẽ, làm thủ công…), ngôn ngữ trị liệu chuyên huấn luyện bệnh nhân tập nói (chữa tật nói lắp nói ngọng…), tập nói chuyện - giao tiếp… Cũng có người chuyên về phục hồi hoạt động của các cơ quan, thí dụ phục hồi phổi chuyên điều chỉnh hơi thở, phục hồi tim chuyên phục hồi hoạt động của tim; phục hồi khi mắc một trạng thái bệnh lý như phục hồi khi bị đột quỵ

Đối tượng điều trị

Những đối tượng của YHPH và VLTL rất nhiều, đó là những người khuyết tật do những khiếm khuyết về cấu trúc cơ thể (không có chân tay, dị dạng, tăng trưởng kém - lùn…) và chức năng (câm, điếc, mù cận thị nói ngọng đi lại khó khăn…) cùng với những hạn chế hoặc rối loạn tâm thần (rối loạn tâm lý, thiểu năng trí tuệ…).

Như vậy, người khuyết tật bị suy giảm về thể chất và tinh thần khiến chất lượng sống giảm và kém hòa nhập với cộng đồng. Những khiếm khuyết của người khuyết tật có thể do bẩm sinh hoặc do mắc phải trong quá trình sống (bị tai nạn, phẫu thuật, chấn thương thể thao…). Khoa YHPH hoặc VLTL có thể nhận bệnh nhân từ phòng khám hoặc từ các khoa khác (nội, ngoại, nhi…).

Mục đích cuối cùng của YHPH và VLTL là giúp người khuyết tật trở lại hoạt động bình thường hoặc gần như bình thường và hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, YHPH dựa vào cộng đồng - ở ta gọi là PHCN dựa vào cộng đồng - đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này. YHPH dựa vào cộng đồng có sự tham gia hầu như của cả xã hội, của chính quyền và y tế địa phương, các đoàn thể (đảng, công đoàn phụ nữ thanh niên…), các hội (phụ nữ, thanh niên, y học, xã hội nhân văn…), các tôn giáo, các tổ chức và cá nhân từ thiện, những tình nguyện viên, đặc biệt của bản thân người khuyết tật cùng gia đình-họ hàng - bạn bè…

Người ta tổ chức cho người khuyết tật việc khám chữa bệnh tại cộng đồng, mở các lớp huấn luyện tự chữa các khiếm khuyết với sự tham gia của gia đình tổ chức lớp tập luyện các hoạt động thông thường của mỗi người trong cộng đồng, hướng nghiệp, mở các lớp học nghề và tìm việc làm, tạo những điều kiện thích hợp cho người khuyết tật (lên xuống xe ô tô, chỗ ngồi trên các phương tiện giao thông…) sao cho người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng tốt nhất có thể.

Như vậy, nhìn tổng thể mà nói thì kỹ thuật YHPH rất phong phú (các loại kỹ thuật y học - trong đó có kỹ thuật VLTL - và cả các biện pháp xã hội). Còn kỹ thuật VLTL chủ yếu chỉ gồm những kỹ thuật vật lý.

Những nước tiến tiến như: Mỹ, Úc Hà Lan có sự phát triển mạnh về VLTL cùng với YHPH. Ở các nước châu Á thì Nhật Bản cũng có sự phát triển khá về hai chuyên khoa này. Họ không đồng nhất hai chuyên khoa này (bởi vì nếu như thế thì cũng như đồng nhất bác sĩ với điều dưỡng!) và luôn tôn trọng tính chuyên nghiệp của bác sĩ YHPH và điều trị viên vật lý, đồng thời tạo điều kiện cho sự hợp tác chặt chẽ và có hiệu quả giữa những người này.

Các nước Đông Nam Á như: Singapore, Thái Lan… cũng phát triển YHPH và VLTL theo hướng này. Nước ta đang ở trong quá trình hội nhập quốc tế và khu vực thì cũng nên theo hướng chung của thế giới và khu vực mà phát triển YHPH và VLTL. 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật