Cảnh báo từ những vụ ngộ độc thuốc diệt cỏ, các bạn nên chú ý để tránh khỏi tình trạng này!

3 bệnh nhân là nạn nhân của ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat vừa nhập Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai ngày 13/2.

Trong đó đã có 1 nạn nhân khó thởgia đình xin về. Đây là thông tin được ThS. Nguyễn Trung Nguyên - phụ trách Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai thông tin ngày 14/2 khi trao đổi với phóng viên báo chí về thực trạng đáng báo động gần như ngày nào cũng có bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt cỏ nhập viện. Và đáng báo động hơn khi số lượng nạn nhân của thuốc diệt cỏ đang ngày một tăng…

Uống thuốc diệt cỏ vì… giận vợ

Bệnh nhân Nguyễn Trung K. (nam, SN 1993 ở Quảng Ninh) được tuyến dưới chuyển đến Trung tâm Chống độc rạng sáng 13/2 trong tình trạng tỉnh táo. Tuy nhiên, qua các xét nghiệm cho thấy độc tố của chất diệt cỏ đã ngấm vào người bệnh nhân dù theo lời kể của bệnh nhân là mới chỉ uống một ngụm nhỏ.

Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân K. đã uống một ngụm dung dịch màu xanh lam, lọ nhựa. Ngay sau khi vừa uống xong, K. đã bị nôn thốc, nôn tháo và rát họng.

Một trường hợp khác là anh Nguyễn Văn V. (35 tuổi, ở Bắc Giang), cũng được chuyển đến Trung tâm Chống độc trong ngày 13/2 (khoảng 6 giờ sau khi đã uống thuốc diệt cỏ) sau khi đã được sơ cứu ở tuyến dưới. Người nhà anh V. cho biết, do cãi nhau với vợ nên anh V. đã tìm thuốc diệt cỏ để uống. Cũng giống như trường hợp trên, mặc dù đến nay, bệnh nhân V. chưa có biểu hiện khó thở song, qua làm xét nghiệm cho thấy độc tố thuốc diệt cỏ đã ngấm vào máu và nước tiểu

Trường hợp thứ 3 chuyển đến Trung tâm Chống độc trong ngày 13/2 là cụ bà 71 tuổi ở Đông Anh - Hà Nội Tuy nhiên, đến chiều ngày 14/2, gia đình đã xin cho cụ về vì cụ đã có biểu hiện khó thở.

Theo BS. Nguyễn Trung Nguyên, cho đến nay, mặc dù 2 bệnh nhân trên chưa có biểu hiện khó thở nhưng không có nghĩa là thuốc diệt cỏ chưa ảnh hưởng đến bệnh nhân bởi với bệnh nhân đã uống thuốc diệt cỏ nếu sau 18-21 ngày mà chưa khó thở thì có cơ hội sống cao. Và đặc biệt là sau 3 tháng mà hoàn toàn không khó thở thì lúc đó mới được gọi là sống. Riêng đối với những trường hợp bị khó thở có nghĩa là phổi của bệnh nhân đã bị xơ tiến triển không hồi phục do ảnh hưởng của độc tố trong thuốc diệt cỏ.

BS. Nguyên cho hay, thực trạng trong 1 ngày có 3 nạn nhân của thuốc diệt cỏ cùng nhập vào Trung tâm Chống độc không phải là chuyện hiếm vì trong 3 năm trở lại đây, thống kê của Trung tâm Chống độc cho thấy số lượng nạn nhân bị ngộ độc thuốc diệt cỏ đến Trung tâm luôn gia tăng. Nếu như năm 2014, khoảng 300 nạn nhân thì năm 2015 là khoảng trên 350 nạn nhân và năm 2016, con số này đã tăng lên 450 nạn nhân.

'Hầu hết các nạn nhân của ngộ độc thuốc diệt cỏ đều sử dụng thuốc diệt cỏ vì những lý do không đáng có, đôi khi chỉ là những giận dỗi bình thường hoặc nhu cầu cần gì đó mà không được đáp ứng… Thật đáng tiếc cho các nạn nhân của thuốc diệt cỏ bởi họ không ý thức được về hành vi của mình, không thể ngờ được là hóa chất này gây tử vong rất cao', BS. Nguyên nói.

Ngộ độc paraquat, tỷ lệ tử vong rất cao

Theo các bác sĩ, các trường hợp ngộ độc paraquat rất đáng lo ngại do tỷ lệ tử vong rất cao, lên đến 70 - 90%. Những người cứu sống được thì chi phí điều trị cũng rất lớn. Riêng chi phí lọc máu điều trị ngộ độc paraquat có thể lên đến 100 triệu đồng/đợt điều trị. Sau khi được cứu sống, bệnh nhân vẫn có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng do tác hại của hóa chất này.

'Ngộ độc hóa chất paraquat là ngộ độc cấp 1. Khi vào cơ thể, hóa chất paraquat gây tổn thương tất cả các cơ quan. Đầu tiên là tiêu hóa tổn thương phổi, gây xơ phổi tiến triển, nặng dần lên và bệnh nhân tử vong Bệnh nhân có thể tử vong trong vài ba ngày, thường 5-7 ngày hoặc có thể tới 3 tháng. Do đó, với một hóa chất gây ngộ độc như paraquat, cần phải có phương thức quản lý chặt chẽ việc mua bán để ngăn chặn các nguy cơ đến sức khỏe người hoặc phải được thay thế bằng hóa chất khác như các nước đã thực hiện', BS. Nguyên nhấn mạnh.

Về Quyết định số 278/QĐ-BNN-BVTV mới đây của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ký và có liệu lực từ ngày 8/2/2017 nêu rõ, Bộ NN&PTNT quyết định loại toàn bộ các thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất 2,4 D và paraquat ra khỏi danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp chỉ được phép nhập khẩu tối đa các loại hoạt chất này là 1 năm và buôn bán, sử dụng tối đa là 2 năm tính từ ngày quyết định có hiệu lực.

Là một bác sĩ chuyên ngành chống độc đã chứng kiến không ít nạn nhân mất mạng vì thuốc diệt cỏ, BS. Nguyên cho hay, đây là một quyết định làm thay đổi, có tác động lớn đối với công tác phòng chống ngộ độc do hóa chất paraquat gây ra với con người… 'Như vậy, quyết định này khi được thực thi hiệu quả có thể giúp tránh được 1.000 trường hợp nhập viện, tử vong do hóa chất paraquat gây ra trên cả nước', BS. Nguyên nói.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật