Bạn nên biết: Thủy đậu dễ tấn công trẻ nhỏ vào mùa lạnh

Thủy đậu thường bùng phát vào dịp cuối năm. Đây cũng là giai đoạn tăng vọt số ca mắc thủy đậu, chủ yếu ở trẻ em.

Thủy đậu (trái rạ) là một bệnh toàn thân do vi-rút varicella zoster gây ra. Bệnh có thể gặp ở tất cả mọi người, nhưng chủ yếu là trẻ 5-9 tuổi. Thể nặng thường gặp ở người lớn tuổi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

Bệnh xảy ra nhiều nhất từ cuối năm dương lịch cho đến tháng 3 - 4, vì đây là thời điểm giao mùa đông - xuân. Thời tiết lạnh mưa phùn, độ ẩm không khí cao rất thuận lợi cho các loại vi-rút sinh sôi nảy nở. Đây cũng là lúc sức đề kháng của con người, đặc biệt là trẻ nhỏ xuống thấp. Bên cạnh đó, các gia đình thường có nhu cầu du lịch thăm viếng và tiếp xúc với nhiều người dịp cuối năm, nên nếu có người mắc bệnh thủy đậu thì khả năng lây lan diện rộng lại càng cao.

Trẻ nhiễm bệnh dễ lây bệnh cho bạn bè trong quá trình cùng sinh hoạt, chơi đùa, ăn và ngủ trưa chung tại nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường bán trú. Không ít trường hợp trẻ khoẻ mạnh nhưng bỗng dưng bị sốt, nổi mụn nước li ti trên mặt chỉ sau một ngày đến trường. Lo lắng đưa con tới bệnh viện các bậc phụ huynh mới tá hỏa biết con mắc thuỷ đậu.

Bệnh thủy đậu thường bùng phát ở trẻ nhỏ vào giai đoạn giao mùa đông - xuân

Bệnh thủy đậu thường bùng phát ở trẻ nhỏ vào giai đoạn giao mùa đông - xuân

Nguy hiểm và dễ lây lan, song nhiều phụ huynh vẫn cho rằng thủy đậu là bệnh thông thường hoặc nhầm lẫn với sốt phát ban ở trẻ. Tâm lý chủ quan, coi nhẹ việc chủng ngừa sớm cho trẻ, tự điều trị tại nhà, người lớn không cần phải chủng ngừa thủy đậu… vẫn còn tồn tại phổ biến. Thậm chí, một số cha mẹ còn tin rằng, chủng ngừa càng sát thời điểm dịch thì trẻ càng được bảo vệ tốt hơn. Chỉ khi nhìn thấy những đứa trẻ hàng xóm bị thủy đậu thì cha mẹ mới hốt hoảng mang con đi tiêm ngừa.

Cách phòng ngừa thuỷ đậu hiệu quả và an toàn là tiêm vắc xin cho trẻ trước mùa dịch ít nhất một tháng, bởi vắc-xin thuỷ đậu cần 2-3 tuần để phát huy tác dụng. Trẻ vẫn có thể bị lây thủy đậu trước khi vắc-xin kịp có tác dụng. Bên cạnh đó, việc chủng ngừa sớm cũng giúp cha mẹ tránh được tình trạng khan hiếm vắc-xin chủng ngừa và chen chúc tại các trung tâm dịch tễ. Tính riêng dịch sởi vào tuần cuối tháng 4/2014, mỗi ngày Viện Pasteur TP HCM tiếp nhận tới hơn 700 lượt chủng ngừa mỗi ngày, trong khi trung tuần trước đó chỉ khoảng 120 lượt.

Tiêm chủng ngừa là cách phòng bệnh tốt nhất cho trẻ (Ảnh minh họa: Internet)

Tiêm chủng ngừa là cách phòng bệnh tốt nhất cho trẻ (Ảnh minh họa: Internet)

Vắc-xin thủy đậu được tiêm một liều cho trẻ từ 12 tháng đến 12 tuổi, 2 liều cách nhau 4-8 tuần với trẻ trên 13 tuổi hoặc người lớn.

Ngoài ra, cha mẹ, ông bà, người giữ trẻ cũng cần phòng bệnh cho bản thân để tránh trở thành nguồn trung gian lây bệnh cho con. Những nguyên tắc dự phòng phổ biến là không ôm, bế, cưng nựng trẻ khi đi làm về mà chưa thay đồ; không cho trẻ ăn khi chưa vệ sinh tay chân... Gia đình nên giữ môi trường sống sạch sẽ, mở rộng cửa để giữ cho không khí thông thoáng, nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật