Chưa tiêm phòng sởi, trẻ bị biến chứng suýt chết - Vì sao?

Một bệnh nhi 10 tháng tuổi bị biến chứng viêm phổi do bệnh sởi vừa được các bác sĩ khoa Nhi (BV Bạch Mai) điều trị thành công. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi cho biết, đây là trường hợp sởi biến chứng nặng nhất từ đầu mùa dịch đến nay, bệnh nhi phải thở máy ròng rã suốt 7 ngày liên tục. Trước đó, phụ huynh đã không đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh. 

Bệnh nhi Bùi Kiều Trinh, 10 tháng tuổi (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào khám tại khoa Nhi ngày 16/2/2014 với các dấu hiệu ho sốt, nổi ban. Kết quả xét nghiệm cho thấy, phổi bị tổn thương nặng nề, bệnh nhi suy hô hấp nặng. Các bác sĩ phải cho thở oxy, điều trị tích cực. Tuy nhiên, diễn tiến của bệnh vẫn rất nặng nề, chưa đầy một ngày, bệnh nhân suy hô hấp rất nhanh và phải tiến hành thở máy.

'Bệnh nhân được thở máy nhưng oxy không lên, do đó, việc điều chỉnh thở máy như thế nào cho phù hợp rất khó khăn. Sau 7 ngày thở máy, bệnh nhân được rút máy thở nhưng lại xuất hiện tình trạng khó thở kèm theo tiếng rít thanh quản các bác sĩ lại tiếp tục điều trị dứt điểm tình trạng này. Sau hơn 2 tuần điều trị tích cực, tình trạng của trẻ tiến triển tốt, đến nay trẻ không phải thở máy, các vết ban đã bay, trẻ tỉnh táo, khóc to, thở tốt' - PGS.TS Dũng cho biết.

Cũng theo PGS.TS Dũng, bệnh nhi này bị biến chứng sởi nặng virus sởi tấn công trực tiếp vào phổi ngay khi các vết ban mới mọc, gây suy hô hấp nặng. Trong khi trước đây, với sởi thông thường, khi vết sởi bay, bệnh nhân sốt lại lúc này virus sởi mới tấn công viêm phổi do virus diễn tiến rất nhanh, hiện vẫn chưa có thuốc tiêu diệt virus mà chỉ có thể chữa triệu chứng của bệnh, kết hợp các biện pháp hỗ trợ. 

Để phòng bệnh, PGS.TS Dũng khuyến cáo, các bậc cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh. Trẻ không tiêm phòng sởi chắc chắn sẽ mắc bệnh, sớm hay muộn chỉ là vấn đề thời gian. Thời điểm này, nếu phụ huynh đưa con đi tiêm cũng phải một tháng nữa mới có khả năng bảo vệ trẻ. Trong điều kiện thời tiết ẩm ướt như hiện nay bệnh đường hô hấp có nguy cơ sẽ tăng cao, nhất là khoảng tháng 3, tháng 4 hàng năm.

Cha mẹ cần chú ý theo dõi, phát hiện sớm các biểu hiện của trẻ như thở nhanh, sốt cao, ho, khó thở… để đưa trẻ đi khám, phát hiện kịp thời tránh biến chứng nguy hiểm có thể đe doạ tính mạng trẻ. Ngoài ra, người dân cần chú ý tăng cường vệ sinh cá nhân phòng bệnh vì sởi là bệnh lây qua đường hô hấp

Trẻ sơ sinh cũng mắc sởi

Từ đầu mùa dịch đến nay, khoa Nhi đã tiếp nhận khoảng 30 trẻ dương tính với sởi, ngay trong đêm qua 2/3, khoa cũng tiếp nhận 3 trẻ nhập viện do sởi.

Điều đáng ngại là có đến khoảng 70% trẻ dưới 1 tuổi mắc bệnh và đại đa số chưa được tiêm phòng sởi. Cá biệt có trường hợp trẻ sơ sinh mới 24 ngày tuổi cũng mắc sởi do lây truyền từ mẹ sang con.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật