Làm thế nào để khắc phục tình trạng quặm mi mắt tốt nhất?

Quặm mi (hay lông quặm) và lông xiêu là những thuật ngữ chỉ ra tình trạng bất thường của lông mi tại mắt.

Câu hỏi: Con năm nay 24 tuổi. Con hay bị ngứa ở mắt và khi ngứa thì con cảm giác mắt như có một màng nước ở ngoài. Gần đây con phát hiện ở khoé mắt có những sợi lông tơ nhỏ nhỏ, khi nhổ đi thì mắt không ngứa nữa nhưng vài tuần sau lại ngứa thì thấy có lông mọc lên. Lông tơ này chỉ có ở phần khoé đầu mắt, khi mọc lên đâm vào phần thịt nên ngứa nhiều. Con bị bệnh gì vậy bác sĩ. Có cách nào chữa không bác sĩ.

BS Nguyễn Thị Hòa

BS Nguyễn Thị Hòa

Trả lời:

BS. Nguyễn Thị Hòa - Bác sĩ đa khoa - Bệnh viện đa khoa Đống Đa, cho biết:

Bình thường, những sợi lông mi này mọc hướng ra phía ngoài nhãn cầu, có tác dụng ngăn cản phần nào dị vật rơi vào mắt. Khi những lông mi trở nên ngược hướng, chúng sẽ cọ sát vào nhãn cầu làm cho người bệnh thấy ngứa và khó chịu ở mắt.

Cần phân biệt giữa quặm mi và lông xiêu:

- Quặm mi là tình trạng bờ mi mắt bị cuộn vào trong, đẩy hàng lông mi vào phía nhãn cầu.

- lông xiêu là tình trạng những sợi lông mi mọc ngược hướng vào phía nhãn cầu, trong khi bờ mi mắt ở vị trí bình thường.

Cả 2 tình trạng này có thể xảy ra ở 1 hoặc 2 mắt, mi trên hoặc mi dưới.

2. Nguyên nhân

Nguyên nhân gây quặm mi: Thông thường, người ta phân loại thành:

- Quặm mi bẩm sinh.

- Quặm mi do co thắt.

- Quặm mi do sẹo co kéo.

- Quặm mi do tuổi già.

Nguyên nhân gây lông xiêu:

Sẹo vùng bờ mi Mắt sau khi bị mắt hột, chấn thương, phẫu thuật… có thể gây xuất hiện lông xiêu. Hoặc tình trạng viêm bờ mi mạn tính làm biến đổi vùng bờ mi cũng gây lông xiêu. Ngoài ra, cũng có những trường hợp bị lông xiêu mà không tìm được nguyên nhân nào cả.

Điều trị

• Quặm mi:

Cách điều trị tạm thời là sử dụng các chất bôi trơn nhỏ hoặc tra mắt, làm giảm sự cọ sát, sử dụng kháng sinh tại chỗ ngừa bội nhiễm hoặc dùng băng dính, kéo mi lật ra ngoài.

Điều trị triệt để thường là phải can thiệp bằng phẫu thuật giúp trả lại vị trí của bờ mi và hàng lông mi như bình thường. Phẫu thuật có thể trì hoãn khi bề mặt giác mạc còn nguyên vẹn.

• Lông xiêu:

Nếu tình trạng lông xiêu ít, nhổ lông xiêu giúp lấy đi những sợi lông mọc sai hướng, thường giúp người bệnh cải thiện tình trạng khó chịu ngay lập tức. Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau đó, những lông xiêu sẽ mọc lại.

Nếu nhiều lông xiêu, gây tổn thương giác mạc nhiều, cũng có thể cố gắng nhổ hết được. Dĩ nhiên, chúng sẽ mọc lại. Do đó, đốt điện, lạnh đông, laser hoặc phẫu thuật (giúp lấy đi hoặc triệt bỏ các nang lông) là những phương pháp điều trị loại triệt để tình trạng này.

Các loại chất bôi trơn cũng như kháng sinh giúp bề mặt giác mạc mau lành tổn thương, cũng như điều trị viêm bờ mi nếu có.

Vì vậy bạn nên đi khám chuyên khoa Mắt để chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.

Chúc bạn sức khỏe!

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật