Một nguy cơ ít ngờ khiến sốt xuất huyết gia tăng - Các bạn tham khảo thêm về bệnh này nhé!

Sốt xuất huyết Dengue do muỗi vằn Aedes aegypti và muỗi hổ châu Á Aedes albopictus truyền bệnh. Ngoài bệnh sốt xuất huyết Dengue...

Sốt xuất huyết Dengue do muỗi vằn Aedes aegypti và muỗi hổ châu Á Aedes albopictus truyền bệnh. Ngoài bệnh sốt xuất huyết Dengue, loài muỗi này cũng có thể truyền bệnh sốt virut Zika gây chứng đầu nhỏ ở thai nhi và trẻ em; bệnh sốt vàng và một số bệnh do virut khác...

Bệnh sốt xuất huyết Dengue thường phát triển vào mùa mưa do sự hình thành các ổ nước đọng nhưng ngay trong mùa nắng nóng bệnh cũng có thể phát triển do có nhiều yếu tố thuận lợi, trong đó vòi phun nước giải nhiệt cho mái nhà lợp tôn là một nguyên nhân ít được chú ý.

Muỗi Aedes aegypti thường sinh sản ở đâu?

Muỗi Aedes aegypti được gọi là muỗi vằn chủ yếu đẻ trứng ở môi trường gần nhà, nơi chúng ưa thích đẻ trứng là các loại vật dụng như chum, vại, lu, thùng phi chứa nước đặt ở trong nhà hay ngoài nhà; ống máng, kẽ lá, ống tre nứa, lốp xe hỏng, vỏ đồ hộp, chậu cây cảnh...; tất cả những loại dụng cụ này điển hình thường chứa nước tương đối trong.

Muỗi Aedes albopictus còn được gọi là muỗi hổ châu Á cũng thường đẻ trứng ở những dụng cụ chứa nước tạm thời trong nhà và ngoài nhà như muỗi Aedes aegypti nhưng với mức độ ít hơn, thực tế chúng vẫn ưa đẻ trứng tự nhiên ở trong rừng và trong vườn cây như các hốc cây, kẽ lá, vũng nước đọng dưới đất sau những cơn mưa,...

Muỗi Aedes chủ yếu đốt máu người và các loại động vật vào buổi sáng hoặc buổi chiều, phần lớn chúng đốt máu và đậu nghỉ để tiêu máu ở ngoài nhà nhưng ở các thành phố thuộc vùng nhiệt đới chúng đẻ trứng đốt máu và đậu nghỉ ở trong nhà và cả chung quanh nhà nên khả năng truyền bệnh rất lớn khi mang mầm bệnh

Tại một số địa phương vào mùa nắng nóng, đặc biệt là miền Trung, các hộ gia đình có nhà ở bằng mái lợp tôn thường lắp đặt hệ thống vòi phun nước nhỏ như hạt sương trên mái nhà để giải nhiệt.

Các vòi phun nước hạt sương nhỏ này đã giúp hạ được nhiệt độ ở trên mái nhà, đồng thời cũng làm mát các phòng ở bên dưới giúp cho việc sinh hoạt được mát mẻ, dễ chịu hơn. Tuy nhiên, một điều mà người sử dụng ít chú ý là số lượng nước ở vòi phun sẽ tích tụ lại tại các máng nước bị tắc nghẽn, đọng nước hay nước đọng lại ở một số máng nước thấp trũng do hư hỏng không thoát nước được...

Chính những nơi chứa nước tương đối trong được phun ra từ các vòi phun sương giảm nhiệt này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh Aedes đẻ trứng, phát triển thành bọ gậy và lăng quăng, làm tăng mật độ hoạt động của muỗi trưởng thành nên tăng nguy cơ truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue, kể cả sốt virut Zika nếu chúng mang mầm bệnh virut.

Cần làm gì để khắc phục tình trạng trên?

Để khắc phục được nguy cơ này, hệ thống máng nước ở trên mái nhà phải được kiểm tra định kỳ, nếu cần phải cọ rửa và nâng cao độ dốc với tỷ lệ 1cm dốc cho 10 mét dài để tránh nước đọng. Đồng thời cũng phải kiểm tra ở những vị trí khác nghi ngờ có nước đọng lại ở hệ thống dẫn nước để giải quyết dứt điểm nước đọng.

Hiện nay bệnh sốt xuất huyết Dengue chưa có vắc-xin phòng bệnh nên các nhà khoa học khuyến cáo biện pháp dự phòng tốt nhất là thực hiện việc giảm mật độ hoạt động của muỗi truyền bệnh Aedes.

Biện pháp lâu dài và có hiệu quả nhất là không tạo nên những nơi muỗi có thể đẻ trứng trên diện rộng bằng cách phá bỏ, san lấp những ổ muỗi đẻ trứng tự nhiên hay nhân tạo; trong đó có những chỗ nước đọng lại ở máng không thoát được nước từ vòi phun sương nước giải nhiệt cho mái nhà ít được chú ý.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật