Triệu chứng và cách sử dụng thuốc trong bệnh lý nhược cơ như thế nào?

Gần một tháng nay tôi có cảm giác sụp mi mắt, đi khám bệnh bác sĩ chẩn đoán là bệnh nhược cơ. Vậy tôi xin hỏi, nguyên nhân,triệu chứng bệnh nhược cơ như thế nào và cách điều trị?

(Hồng Lan - Đồng Nai)

Bệnh nhược cơ có tên khoa học là Myasthenia Gravis, được Thomas Wilis mô tả lần đầu tiên vào năm 1672,  đến 1893 được Goldflam mô tả chi tiết hơn, nhưng mãi đến những năm gần đây, nhờ những thành tựu khoa học về miễn dịch học, từ đó bệnh nhược cơ được lý giải một cách khoa học hơn.

Về nguyên nhân, cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được. Tuy nhiên, các nhà khoa học thấy rằng có khoảng 65 - 75 % trong số bệnh nhân là có sự tăng sản ở tuyến ức.

Về triệu chứng của bệnh, một đặc điểm nổi bật của bệnh nhược cơ là có sự thay đổi tình trạng sức khỏe trong ngày, buổi sáng thì khỏe hơn buổi chiều, nghỉ ngơi đỡ, vận động nhiều nặng hơn. Thường gặp nhất là tình trạng yếu cơ ở mặt sụp mí mắt có thể một hoặc 2 bên, nhìn đôi; khó nói, nhai và nuốt khó; đôi khi có khó thở; yếu cơ chân tay; suy nhược cơ tăng lên khi hoạt động nhiều và giảm đi khi nghỉ ngơi, giảm cơ lực sau khi vận động và phục hồi sau khi nghỉ ngơi là dấu hiệu quan trọng nhất của bệnh.

Hiện tượng mỏi cơ xuất hiện sau một số vận động, có thể chỉ là một nơi hoặc nhiều nơi, các cơ bị ảnh hưởng là loại cơ vân, chi phối sự vận động chủ động của cơ thể.Các nhóm cơ thường bị ảnh hưởng nhất là các cơ ở mặt, mắt, tay chân, các cơ điều khiển nhai, nuốt, nói, các cơ hô hấp cũng có thể bị ảnh hưởng.

Bệnh với 2 thể chính là cấp và thể nhược cơ thông thường. Ở thể nhược cơ cấp, thể bệnh cấp cứu, thường gặp ở thai phụ có tiền sử chữa nhược cơ, hoặc người có u ác tính ở tuyến ức Ở thể này, các cơ hô hấp bị ảnh hưởng nhiều nhất, gây khó thở nuốt nghẹn, dễ bị sặc với nước uống hoặc thức ăn lỏng. Ở thể nhược cơ thông thường, bệnh gặp nhiều ở phụ nữ và ở trẻ em với biểu hiện ban đầu là chứng mỏi mệt cơ theo thời gian lao động và sinh hoạt hằng ngày. Người bệnh thường bị sụp mi mắt, có thể ở một hoặc hai bên, nhai khó, nuốt khó, mỏi mệt tay chân.

Về điều trị, hiện tại việc điều trị nhược cơ vẫn chưa có giải pháp nào là hoàn hảo, chủ yếu là điều trị triệu chứng, để hạn chế tình trạng bệnh nặng thêm. Cả thầy thuốc và bệnh nhân cần tránh dùng một số thuốc có thể làm cho tình trạng nhược cơ nặng thêm lên như: thuốc kháng sinh nhóm Aminoglycosid như: Gentamycin, Amikacin, nhóm Penicillamine, Procainamide…

Thuốc để điều trị, thường dùng nhóm thuốc kháng Cholinesterase, thuốc có tác dụng làm giảm triệu chứng mà không ảnh hưởng đến diễn biến của bệnh như: Neostigmin methylsulfat với tên thương mại là Prostigmine, thuốc dùng với liều người lớn là  0.04 - 0,05mg/kg cân nặng, với trẻ em 0,03mg/kg; hoặc thuốc khác như Pyridostigmin với tên thương mại là Mestinon thuốc dùng người lớn với liều 120mg lần, trong ngày có thể 2 đến lần.

Về điều trị ngoại khoa, với mục đích cơ bản là cắt bỏ tuyến ức (đóng vai trò quan trọng trong cơ chế đáp ứng tự miễn dịch của cơ thể). Khi cắt bỏ tuyến ức có thể làm giảm được việc tạo ra các tự kháng thể kháng Acetylcholin ở Sinap thần kinh - cơ trong bệnh nhược cơ sau khi cắt bỏ tuyến ức. Qua các thống kê, các nhà khoa học thấy các triệu chứng nhược cơ, ở phần lớn bệnh nhân được cải thiện rõ rệt, nhiều trường hợp khỏi hoàn toàn.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật