8 gợi ý hữu ích để dạy con tuổi teen tự lập cha mẹ nên biết

Cha mẹ lo lắng nếu cho con tự do quá sớm, con sẽ có những quyết định sai lầm. Nhưng nếu không được khám phá, mắc sai lầm, con sẽ không có cơ hội học những bài học của cuộc sống, không bao giờ tự lập. Sau đây là những điều bạn cần biết để trở thành người dẫn đường đáng tin cậy.

Cân bằng giữ nhu cầu tự do của con và mối lo của cha mẹ

Để trở thành một người trưởng thành thực sự, con phải học cách:

- Phụ thuộc vào bạn ít hơn và có trách nhiệm hơn.

- Có thể ra quyết định và giải quyết vấn đề.

- Tìm ra giá trị cuộc sống

-  Hình thành bản sắc riêng.

Cha mẹ và con cái thường bất đồng quan điểm về vấn đề tự lập, đó cũng là điều dễ hiểu. Các bậc cha mẹ lo rằng nếu được tự do quá sớm, con có thể đưa ra những quyết định sai lầm. Tuy nhiên, con cần phải khám phá, mắc sai lầm và có những trải nghiệm mới mẻ, vậy mới học được những bài học cuộc sống và tiếp tục định hình sự phát triển của não bộ.

Cần cân bằng giữa nhu cầu tự do của con với mối lo của riêng bạn, có như vậy bạn và con mới có được mối quan hệ tốt đẹp, đồng thời gìn giữ được không khí gia đình Con phát triển tính độc lập như thế nào và bạn hướng dẫn con ra sao, đó là những quá trình bị ảnh hưởng bởi nền tảng văn hóa và tín ngưỡng của gia đình.
Nên nhớ, con bạn có thể cũng đang cố hết sức để đáp ứng kỳ vọng của gia đình mà không làm mất đi hình ảnh của chúng trước mặt bạn bè.

Ở độ tuổi vị thành niên, con bạn vẫn đang ở trong quá trình tự khám phá bản thân. Tuy nhiên, có lúc con cũng không hiểu được chính bản thân mình. Do đó, bạn và con đều phải học cách cân bằng giữa tự do cá nhân và những hướng dẫn của cha mẹ.  Mọi việc không phải lúc nào cũng tốt đẹp, nên đừng vì thế mà bỏ cuộc hay cảm thấy thất vọng chán nản

Thể hiện tình yêu và sự hỗ trợ dành cho con

Tình yêu và sự hỗ trợ của các bậc cha mẹ rất cần thiết để con có được lòng tin vào chính bản thân mình.  Những đứa trẻ tự tin vào bản thân sẽ có thêm can đảm để khám phá con người và tìm ra điều chúng thực sự muốn làm trong cuộc sống.

“Con lớn rồi” - đó là điều bạn dễ dàng nghe được từ những đứa trẻ tuổi teen. Cũng vì thế nên con dễ bị ngại, ngượng khi bạn thể hiện tình cảm qua những cái ôm, hôn hay xoa đầu. Thay vào đó, bạn có thể thể hiện tình yêu bằng những cách khác:

-  Thật sự quan tâm đến nhu cầu, sở thích và bạn bè của con

-  Dành thời gian lắng nghe khi con muốn tâm sự

-  Để con có được sự riêng tư

Tôn trọng cảm xúc và ý kiến của con

Trong quá trình trưởng thành, con sẽ gặp phải những thay đổi về thể chất, xã hội và tình cảm của tuổi mới lớn. Tâm sinh lý của con ở thời điểm này cũng vô cùng phức tạp. Dù vậy, bạn vẫn là người nắm vai trò chủ đạo trong việc hướng dẫn và hỗ trợ con. Do đó, hãy cố bắt nhịp với cảm xúc của con, giúp con hiểu được mình và mình cũng hiểu được con.

Việc bạn tôn trọng ý kiến của con sẽ là một nguồn động lực lớn lao, mang đến cho con sự tự tin. Lưu ý, quan điểm của con có thể khác hoàn toàn  so với của bạn. Bạn có thể tận dụng tình huống này, biến nó thành cuộc nói chuyện về việc mọi người có những quan điểm khác nhau.

Hãy nói rõ ý kiến cá nhân và tâm sự với con những cảm xúc của người làm cha mẹ, như vậy sẽ giúp cuộc trò chuyện giữa 2 bên thẳng thắn, cởi mở, con không thấy bị áp đặt và cha mẹ cũng không cảm thấy mệt mỏi khi không hiểu nổi con.

Tâm sinh lý của con ở thời điểm này cũng vô cùng phức tạp

Tâm sinh lý của con ở thời điểm này cũng vô cùng phức tạp

Đặt ra những quy tắc rõ ràng và công bằng

Đặt ra quy tắc rõ ràng về hành vi, cách liên lạc và giao tiếp xã hội sẽ giúp con bạn hiểu được những giới hạn và những điều bạn mong chờ. Quy định này cũng sẽ giúp bạn thống nhất trong cách đối xử với con cái. Một khi đã đặt ra các quy định, hãy áp dụng chúng một cách nhất quán.

Khi lớn dần lên, con có thể trở thành người xây dựng những quy tắc mới, cũng như tự đặt ra những hậu quả phải gánh chịu nếu phá vỡ quy tắc. Điều này sẽ giúp con hiểu được cha mẹ và có trách nhiệm hơn với bản thân.

Đừng đặt giới hạn quá khắt khe, bởi nếu làm vậy, con sẽ không thể phát triển và có được những trải nghiệm mới.

Đối xử với con phù hợp với từng giai đoạn phát triển

Khi ở tuổi teen, con bạn thường cho rằng chúng có thể tự đưa ra những quyết định của riêng mình. Tuy nhiên, con vẫn chưa thể xử lý các tình huống đòi hỏi tinh thần trách nhiệm nếu thiếu sự giúp đỡ của bạn. Do đó, bạn nên giải thích với con về lý do tại sao trẻ em ở những độ tuổi khác nhau có những trách nhiệm khác nhau.

Sự tự do mà con bạn muốn có và sự tự do mà bạn dành cho con sẽ thay đổi khi con bước qua tuổi niên thiếu.

Giúp con phát triển kỹ năng ra quyết định

Khi con cần đưa ra quyết định, bạn có thể giúp con phát triển kỹ năng bằng cách:

- Tìm hiểu các sự lựa chọn.

- Xem xét ưu và khuyết điểm của những lựa chọn, từ đó ra quyết định đúng đắn.

- Suy nghĩ xem cần phải làm gì nếu mọi việc không theo đúng kế hoạch.-  Sau khi con ra quyết định, hãy đưa ra nhận xét, góp ý.

Ngoài ra, bạn cũng có thể để con tham gia vào việc gia đình. Đây là một dịp để thúc đẩy sự tự tin của con, đồng thời thể hiện rằng bạn coi trọng ý kiến của con.

Khi cần đưa ra quyết định trọng đại, ảnh hưởng trực tiếp tới con, hãy thảo luận cùng con chứ đừng tự quyết một mình. Điều bạn nghĩ là tốt nhất cho con có thể lại không phải là điều con thực sự mong muốn.

Não bộ của trẻ vị thành niên sẽ tiếp tục phát triển cho đến những năm sau 20 tuổi. Tương tự, phần não bộ phụ trách việc ra quyết định cũng trong quá trình phát triển. Vào thời điểm này, con bạn sẽ phải học cách kiểm soát những cơn bốc đồng, dù không phải lúc nào cũng thành công; bởi những đứa con tuổi teen thường không hiểu hết hậu quả có thể xảy đến.

Cho con cơ hội an toàn để trải nghiệm tự do

Những hoạt động an toàn nhưng vẫn mang đến cho con sự tự do có thể giúp con học được các kỹ năng, từ đó chấp nhận những rủi ro tích cực để kiểm tra năng lực bản thân, dần dần thúc đẩy khả năng phục hồi.

Ví dụ: cho con gia nhập một câu lạc bộ thể thao hoặc một hội nhóm của thanh thiếu niên mà con quan tâm.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng rất nhiều bậc phụ huynh cảm thấy khó mà quen được với tính tự do ngày càng tăng của con em mình. Một số người thậm chí còn lo lắng đến mức ảnh hưởng tới sức khỏe

Con ở tuổi vị thành niên thường có những cảm xúc trái chiều về cùng một vấn đề hoặc một người nào đó. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi con vừa yêu lại vừa tỏ ra thiếu tôn trọng bạn; muốn tự do, nhưng vẫn cần hướng dẫn của bạn; muốn đi chơi với bạn bè, nhưng có lúc lại muốn được ở một mình. Điều này chỉ đơn giản là do con đang ở tuổi ô mai ẩm ương.

Giải quyết xung đột

Như đã nói ở trên, con vẫn đang ở giai đoạn  phát triển bản sắc cá nhân và tìm ra vị trí của mình trong xã hội. Con muốn tự do quyết định những thứ như ngoại hình, cách ứng xử hay những hành vi ngoài xã hội. Một phần của quá trình này chính là kiểm tra ranh giới và chất vấn những người mà con cho là “nhân vật quyền lực”, đặc biệt là bạn.

Đây là những yếu tố dễ dàng tạo nên một vụ xung đột nhưng nếu khéo léo, bạn có thể dễ dàng xử lý những cuộc tranh luận kiểu này.

Rất nhiều người cho rằng tuổi niên thiếu là một quãng thời gian khó khăn, và rằng tất cả trẻ vị thành niên đều từng có những trạng thái cảm xúc tồi tệ, cũng như có những hành vi chống đối, thách thức. Thực tế, một số nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ 5-15% trẻ vị thành niên bị rối loạn cảm xúc nổi loạn hoặc có những xung đột nghiêm trọng với cha mẹ.

Tóm lại, mối quan hệ gia đình tốt đẹp sẽ giúp trẻ vị thành niên phát triển các kỹ năng cần thiết để trưởng thành.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật