Độc chiêu cai điện thoại cho con 'một phát ăn ngay' hay là sự nhẫn tâm của các ông bố bà mẹ?

Không ít bố mẹ đã học theo cách cai điện thoại cho con được 'mách' trên mạng và thấy hiệu quả tức thì.

Độc chiêu cai điện thoại 'một phát ăn ngay' hay là hành động nhẫn tâm của cha mẹ?

Với nhiều bố mẹ, việc con bị nghiện điện thoại, ipad, tivi… luôn là vấn đề đau đầu Vậy nên chỉ cần có cách khiến con từ chối thói quen có hại này, bố mẹ sẽ ngay lập tức thực hiện. Trong đó, có một 'độc chiêu' đã rầm rộ trên mạng trong thời gian gần đây đó là sử dụng một bức ảnh kinh dị cài làm hình nền rồi đưa cho con xem, khiến con khóc thét lên khi nhìn vào đó và sợ hãi không dám lại gần điện thoại nữa.

Được biết, cách cai điện thoại có một không hai này bắt nguồn từ một mẹ Thái Lan. Người mẹ này đã quay lại clip mời hai đứa con của mình xem điện thoại, thế nhưng thay vì hào hứng, sung sướng thì hai đứa trẻ lần lượt khóc ré lên vì sợ hãi. Đơn giản là vì trước đó, hai bé đã được mẹ cho xem bức hình nền kinh dị trên điện thoại và bị ám ảnh đến mức thấy điện thoại là chạy xa.

Cách cái điện thoại này đương nhiên là có hiệu quả ngay lập tức và được nhiều mẹ ở Thái Lan, Việt Nam học theo. Trong số đó có một mẹ ở Bắc Ninh đã dùng để cái điện thoại cho con. Và khi quay lại đăng lên một hội nhóm, cách làm này tiếp tục bị phần lớn cộng đồng mạng “ném đá”.

Đa số người dùng đều cho rằng đó là một việc làm quá dã man và đáng sợ, sẽ khiến trẻ bị tổn thương, ám ảnh về lâu dài. “Người lớn nhìn vào đó cũng thấy hết hồn, huống gì là trẻ con”, “cài xong chính mình cũng không dám đụng vào điện thoại của mình”, “nếu mà nhìn vào buổi đêm thì làm sao mà dám đi ngủ nữa”, “cai được điện thoại tạm thời nhưng sẽ khiến con bị ám ảnh cả đời”, “dạy trẻ con đừng nên làm như thế”, “đừng làm thế nhé, đêm em bé sẽ bị giật mình khóc thét đấy”... là những bình luận phê phán cách dạy con đáng sợ này.

Thực tế, hoàn toàn có thể hiểu được vì sao phần lớn người dùng mạng xã hội lại đưa ra những ý kiến phản đối gay gắt như vậy. Bức ảnh quỷ nhe nanh hay những hình ảnh kinh dị tương tự đều có thể ăn sâu vào tâm trí trẻ thơ, vô tình tạo cho con trẻ những ký ức đáng sợ. Cách làm ấy tuy có thể làm cho trẻ không xem điện thoại nhưng sẽ ám ảnh chúng, làm chúng có thể giật mình sợ hãi trong đêm khuya và lúc đó thì thần kinh cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Cai điện thoại cho con bằng cách nào?

Dù không dùng cách cai điện thoại đáng sợ như trên đi nữa, thì bố mẹ cũng cần phải kiểm soát thời lượng sử dụng các thiết bị điện tử của con. Bởi tình trạng nghiện điện thoại lâu dài sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường cho trẻ như làm suy giảm khả năng tập trung, suy giảm thị lực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển tính cách và giao tiếp của trẻ, khiến trẻ dễ cáu gắt, bướng bỉnh và không thích trò chuyện với người khác. Đặc biệt, tình trạng sử dụng điện thoại không kiểm soát ở trẻ còn có thể gây ra các căn bệnh về tâm lý như tự kỷ rối loạn hành vi…

Nếu muốn cai điện thoại cho con, bố mẹ cũng không nên nóng vội mà phải thực hiện theo lộ trình bài bản, cắt dần từng chút một để đạt hiệu quả tốt nhất. Bởi việc đột ngột nghiêm cấm trẻ chơi điện thoại có thể không hiệu quả và gây ra các phản ứng ngược, khiến con cáu gắt, mè nheo, quấy khóc, bỏ ăn... Hãy thực hiện lần lượt hoặc đồng thời các bước sau đây, tùy khung thời gian linh hoạt để giúp con từ bỏ điện thoại và hòa mình vào thế giới thực:

1. Bố mẹ cần làm gương, dành thời gian chơi cùng con

Muốn con ít xem điện thoại thì việc đầu tiên là bố mẹ cần phải làm gương trước con. Hãy ngắt kết nối và sử dụng lượng thời gian chất lượng khi ở bên cạnh con, cùng con nói chuyện, chơi trò chơi. Bất cứ đứa trẻ nào cũng muốn được chơi cùng với bố mẹ hơn là chiếc điện thoại.

2. Quy định khoảng thời gian nhất định con được dùng điện thoại

Theo Viện Nghiên cứu Y khoa trẻ em Mỹ và Hội Y khoa Canada cảnh báo rằng không nên cho trẻ từ 0 đến 2 tuổi tiếp xúc với thiết bị điện tử dưới bất cứ hình thức nào. Còn với trẻ từ 3-5 tuổi thì hạn chế dưới 1 tiếng/ngày, và từ 6-18 tuổi thì thời gian tiếp xúc chỉ nên ở mức dưới 2 tiếng mỗi ngày.

Bố mẹ có thể nói chuyện với con và quy định khoảng thời gian cụ thể mà con được phép dùng điện thoại. Trước khi cho con cầm điện thoại, bố mẹ cần nhắc lại quy định và nghiêm khắc cất điện thoại khi đã đến giờ.

3. Kêu gọi trẻ tham gia việc nhà, tạo ra các khu vực cấm dùng điện thoại trong nhà

Bố mẹ có thể bắt đầu từ các khu vực như phòng ăn, phòng ngủ sẽ có nội quy “cấm sử dụng điện thoại” để việc ăn uống nghỉ ngơi sẽ không bị xao lãng, ảnh hưởng.

Bố mẹ cũng cần hướng cho trẻ tham gia việc nhà để kéo sự tập trung của trẻ sang các việc khác ngoài kè kè chiếc điện thoại. Việc của bố mẹ là hãy tạo hứng thú cho trẻ bằng cách coi việc nhà như những trò chơi, bé sẽ thích hơn và không cảm thấy khó chịu.

4. Cho trẻ tham gia các hoạt động vận động khác

Những lợi ích không ngờ từ hoạt động vận động hay vui chơi tự do ngoài trời là không thể chối cãi được. Bố mẹ hãy hướng cho con tham gia những hoạt động này khi đưa con đi chơi vào cuối tuần, giúp con xa rời với màn hình vuông.

Ngoài ra, hãy thử cho con tham gia các lớp học võ, bơi, hát, vẽ… hoặc đi cắm trại, dã ngoại, sinh hoạt câu lạc bộ… Chắc chắn những hoạt động tập thể sôi động và vui vẻ như vậy sẽ khiến con rất thích thú.

Bố mẹ cũng có thể cho con chơi những món đồ chơi hấp dẫn mà hữu ích khác như lego, trò chơi xếp hình, bảng số, chữ, hình khối… Hãy cùng chơi với con để con cảm thấy hứng thú hơn và không bị nhàm chán. Đây đều là những món đồ chơi hữu ích trong việc phát triển trí tuệ của trẻ.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật