Mẹ Việt gửi con đi học ở Nhật: Mệt đấy, nhưng rồi mọi thứ sẽ ổn

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều cha mẹ Việt phải trăn trở việc có nên nhập quốc tịch để con em mình không bị tách biệt so với bạn học.

Không khó để tìm ra những bài viết ca ngợi nền giáo dục số 1 thế giới của Nhật Bản nhưng với những mẹ Việt nuôi con ở Nhật, có hàng loạt thứ khiến họ 'sốc lên sốc xuống'.

Một người mẹ Việt từng sống ở Nhật hơn 20 năm, nền tảng ngôn ngữ không thua kém người bản địa tâm sự với tôi: Trong một thời gian dài nuôi dạy con tại Nhật, thời điểm chị cảm thấy làm mẹ ở đây khó khăn nhất là khi con mới vào mẫu giáo. Chị không thể tưởng tượng tại sao lại lắm thứ phải chuẩn bị đến thế.

Với một người mẹ khác từng ở Nhật hơn 10 năm, có ba con ở ba cấp học khác nhau tại Nhật, điều chị cảm thấy vẫn chưa quen nổi, đó là khi các con bước vào các buổi học ngoại khóa dày đặc thì viễn cảnh 'gia đình đoàn tụ' mỗi cuối tuần tan thành mây khói, khi hầu như không có cuối tuần nào cả gia đình được tụ họp trọn vẹn.

Trẻ em học ở Nhật khi vào trung học có vô số các hoạt động ngoại khóa, học thêm… cần kèm cặp, theo dõi và đồng hành, điều này cần rất nhiều 'khổ công' của người mẹ để đồng hành cùng con.

Nhiều mẹ coi thời điểm con đi học mẫu giáo là thời điểm cha mẹ thực sự vất vả (Ảnh minh họa).

Nhiều mẹ coi thời điểm con đi học mẫu giáo là thời điểm cha mẹ thực sự vất vả (Ảnh minh họa).

Mỗi cấp học một bỡ ngỡ

Với cường độ và áp lực công việc tại Nhật khiến người cha khó có thời gian và sức lực để dành cho con cái, gánh nặng nuôi dạy con gần như sẽ phải dồn hết lên vai các bà mẹ. Nhiều mẹ Việt không có lợi thế về ngôn ngữ sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi phải tìm hiểu gần như một nền giáo dục hoàn toàn khác biệt so với nền giáo dục họ từng được thừa hưởng, từ nếp nghĩ tới cách làm.

Ngay từ thời điểm con đi học mẫu giáo, các mẹ phải làm quen với việc chuẩn bị muôn ngàn đồ đạc lỉnh kỉnh, cần ghi chú cẩn thận… lẫn nhận các bảng báo cáo dày đặc chữ Hán mỗi tuần của con. Nhiều mẹ coi thời điểm con đi học mẫu giáo là thời điểm cha mẹ thực sự vất vả vì có nhiều trường thường xuyên tổ chức event yêu cầu phụ huynh có mặt đồng hành, hoặc yêu cầu mẹ phải dậy sớm làm cơm hộp cho bé hàng tuần, thậm chí theo ngày. Cha mẹ Việt nhiều người còn lúng túng với các lễ nghi tại trường học cho con, các quy tắc bất thành văn mà các mẹ cần thời gian để thấu hiểu và tích lũy kinh nghiệm.

Tới bậc tiểu học, việc chấp nhận cú sốc phải 'thả' con ra đường để tự đi học mỗi ngày cũng khiến nhiều mẹ sửng sốt và cần thời gian làm quen về vật chất lẫn tinh thần Và cũng từ đây, những khó khăn sẽ dần tăng khi bài vở tăng dần và bố mẹ cần dành nhiều thời gian để dạy bảo, chỉ dẫn để bé không bị đuối khi tham gia vào hệ thống giáo dục của xứ người.

Khó khăn sẽ dần tăng khi trẻ bước vào tiểu học, trung học (Ảnh minh họa).

Khó khăn sẽ dần tăng khi trẻ bước vào tiểu học, trung học (Ảnh minh họa).

Nhiều gia đình người Việt sẽ phải đấu tranh giữa việc lựa chọn một ngôn ngữ chính cho con để trẻ có khả năng tư duy thống nhất khi học tập. Khi sử dụng quá nhiều tiếng Việt tại gia, trẻ dễ thiếu hụt vốn từ tiếng Nhật, đuối hơn các bạn trong các môn như ngữ văn, quốc ngữ... Các nhà trường Nhật tuy có rất nhiều chương trình hỗ trợ trẻ học tập dưới hình thức giáo viên support, nhân viên hỗ trợ riêng… nhưng vẫn cần rất nhiều nỗ lực của cha mẹ khi giúp con học tập.

Khi con lên tới cấp 2, 3, nhiều bậc phụ huynh Việt lại phải đối mặt với các vấn đề nhức nhối của chính học đường Nhật Bản: nạn bắt nạt, cô lập, bạo hành học đường, nơi những đứa trẻ có xu hướng khác biệt là mục tiêu bắt nạt của bạn bè. Nếu tìm hiểu, chuẩn bị tinh thần đối mặt và phương hướng xử lý, bố mẹ Việt có thể giúp con cái mình vượt qua những chướng ngại này - khi bản thân là người ngoại quốc, các em dễ có nguy cơ trở thành đối tượng bị bắt nạt. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều cha mẹ Việt phải trăn trở việc có nên nhập quốc tịch để con em mình không bị tách biệt so với bạn học.

Áp lực học tập và thi cử tại Nhật hầu như không có ở cấp một, nhưng khi lên cấp bậc trung học, học sinh phải đối mặt với chúng không thua kém gì so với các nước Châu Á coi trọng bằng cấp khác, đâu cũng là lúc các bậc cha mẹ phải đau đầu với các chương trình học thêm, chạy đua cùng các khóa ôn thi cho trẻ.

Bắt nạt là một trong nhiều vấn đề học đường gây nhức nhối (Ảnh minh họa).

Bắt nạt là một trong nhiều vấn đề học đường gây nhức nhối (Ảnh minh họa).

Những vấn đề xã hội chỉ mơ hồ

Theo thống kê của báo chí Nhật Bản, rất nhiều vấn nạn xã hội và vấn nạn học đường xảy ra với trẻ em như bạo lực tự tử trầm cảm lạm dụng tình dục mua bán dâm trẻ vị thành niên, nạn nhân của xã hội đen… đều đến với các gia đình cha mẹ ly hôn, cha mẹ quá mệt nhọc với công việc mà ít quan tâm kết nối với con cái. Có nhiều sa ngã, cám dỗ và những hiểm nguy trong xã hội Nhật mà người ngoại quốc vẫn còn mơ hồ. Phải sống thật lâu và đủ tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, cha mẹ mới có thể có những hiểu biết sâu sắc để lý giải các hiện tượng này dưới dạng bản chất để tránh ngừa cho con cái của mình.

Một bà mẹ Việt sống tại Nhật có con trai 22 tuổi nói, thời điểm 'kinh dị' trong việc nuôi dạy con tại Nhật với chị là khi bé trai tới tuổi vị thành niên. Những ẩm ương tuổi mới lớn của con cái luôn khiến các bậc cha mẹ đau đầu nhưng ở một xã hội hoàn toàn xa lạ với các vấn đề xa lạ, điều này còn khiến người mẹ cảm thấy khó khăn gấp bội. Những lý thuyết đồng hành cùng con, làm bạn với con… đôi khi không thể áp dụng được triệt để khi trẻ có xu hướng xa lánh cha mẹ, đòi hỏi không gian riêng tư và sự tự do nhiều hơn.

Làm cha mẹ ở bất cứ nơi đâu cũng đòi hỏi những nỗ lực và kiên nhẫn phi thường (Ảnh minh họa).

Làm cha mẹ ở bất cứ nơi đâu cũng đòi hỏi những nỗ lực và kiên nhẫn phi thường (Ảnh minh họa).

Trong cộng đồng người Việt sinh sống tại Nhật, cũng không thiếu những gia đình cha mẹ vì áp lực kiếm tiền mà sức lực và thời gian cho con cái bị cắt giảm. Khi không có lựa chọn, trẻ em sẽ không thể được quan tâm đầy đủ như những gia đình có mẹ ở nhà chăm con - đây chính là bài toán khắc nghiệt và cũng là vấn đề lớn mà các bậc phụ huynh Việt cần suy nghĩ để cân bằng lợi ích cho con cái mình.

Ngoài ra hệ thống giáo dục Nhật Bản không phải không có điểm bảo thủ, mà những người ngoại quốc thường than phiền rằng mục tiêu duy nhất của nền giáo dục này là đào tạo tất cả học sinh thành người Nhật. Với các học sinh nằm trong hệ thống này, có thể các em không cảm nhận được điều đó, nhưng với các bậc cha mẹ của các em - là người Việt, việc cân bằng được văn hóa, cách nghĩ đồng nhất trong đời sống gia đình sẽ khó khăn gấp bội so với các gia đình nuôi dạy con tại những nơi văn hóa cởi mở hơn và chấp nhận tính đa dạng hơn như các nước Âu Mỹ.

Nhưng cũng thật may, ngoài những khó khăn kể trên, hệ thống giáo dục Nhật có điểm ưu việt là sự hỗ trợ tối đa và làm việc trách nhiệm của các nhà trường sẽ giúp phụ huynh ngoại quốc dần tháo gỡ các thắc mắc và khó khăn của mình. Cộng đồng người Việt đang tăng lên nhanh chóng về số lượng và lớn mạnh về quy mô, cởi mở và chan hòa về tinh thần cũng sẽ là điểm tựa để các bậc cha mẹ Việt tương trợ, trao đổi thông tin, giúp đỡ lẫn nhau trên bước đường nuôi dạy con cái một cách lành mạnh. Hơn ai hết, các bậc cha mẹ Việt cũng hiểu, làm cha mẹ ở bất cứ nơi đâu cũng đòi hỏi những nỗ lực và kiên nhẫn phi thường.

Mọi chuyện tuy mệt, nhưng rồi cũng sẽ ổn thỏa thôi.

Từng có 7 năm sinh sống cùng gia đình tại Nhật nên mẹ Masao có cơ hội được trải nghiệm rất nhiều về văn hóa, xã hội trên đất nước mặt trời mọc. Và từ khi bé Masao đi học, mẹ Masao còn có thêm cơ hội trải nghiệm 'công việc' của một người mẹ có con đi học mẫu giáo ở Nhật. Những cảm nhận và chia sẻ chân thực của mẹ Masao một lần nữa khiến chúng ta 'ngả mũ' trước cách người Nhật giáo dục trẻ em.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật