Mốc phát triển và bí quyết nuôi dạy trẻ 6-9 tuổi mẹ nên biết

Giai đoạn này, trẻ có thể tự mặc đồ, dễ dàng dùng tay bắt bóng, buộc dây giày. Trẻ có khả năng tự lập cao hơn trong gia đình.

Các sự kiện quan trọng như bắt đầu vào tiểu học sẽ giúp trẻ tuổi này thường xuyên kết nối với thế giới rộng lớn hơn.

Tình bạn ngày càng quan trọng với trẻ. Các kỹ năng về thể chất tinh thần và xã hội phát triển nhanh chóng. Đây cũng là thời điểm quan trọng để trẻ phát triển sự tự tin trong mọi lĩnh vực của cuộc sống chẳng hạn kết bạn học tập tại trường và chơi thể thao.

Dưới đây là một số thông tin về sự phát triển của trẻ trong giai đoạn 6-8 tuổi.

Thay đổi về cảm xúc/giao tiếp xã hội:

Trẻ thuộc độ tuổi này có thể:

- Thể hiện sự độc lập hơn với bố mẹ và gia đình.

- Bắt đầu nghĩ về tương lai.

- Hiểu hơn về vị trí nơi ở của mình trên thế giới.

- Chú ý nhiều hơn tới bạn bè và hoạt động nhóm.

- Mong muốn được bạn bè yêu thích và chấp nhận.

Trẻ 6-8 tuổi có thể giúp bố mẹ làm nhiều việc nhà. Ảnh minh họa: MT.

Trẻ 6-8 tuổi có thể giúp bố mẹ làm nhiều việc nhà. Ảnh minh họa: MT.

Suy nghĩ và học tập

Trẻ 6-8 tuổi có thể:

- Thể hiện sự phát triển nhanh chóng các kỹ năng về trí tuệ

- Học được cách tốt hơn để mô tả những trải nghiệm cũng như cách nói về suy nghĩ và cảm xúc của bản thân.

- Ít tập trung tới bản thân và quan tâm đến người khác hơn.

Các bí quyết nuôi dạy cho bố mẹ có con ở độ tuổi này:

- Thể hiện tình cảm với con. Công nhận những thành tích trẻ đạt được.

- Giúp trẻ phát triển ý thức trách nhiệm, chẳng hạn yêu cầu bé giúp các việc vặt như dọn bàn, bày đồ ăn...

- Trò chuyện với con về trường lớp, bạn bè và những thứ trẻ mơ ước về tương lai.

- Trò chuyện với con về thái độ tôn trọng người khác. Khuyến khích trẻ giúp đỡ người khác khi họ cần.

- Giúp con thiết lập các mục tiêu có thể đạt được, trẻ sẽ học cách biết tự hào về bản thân và ít phụ thuộc vào những khen chê của người khác.

- Giúp trẻ học tính kiên nhẫn bằng cách nhường người khác được đi/làm trước hoặc yêu cầu trẻ phải hoàn thành một nhiệm vụ nào đó trước khi được đi chơi. Khuyến khích trẻ nghĩ về hậu quả có thể đến trước khi hành động.

- Đề ra các nguyên tắc rõ ràng và thực hiện nghiêm túc, chẳng hạn trẻ được xem TV bao lâu hay khi nào phải lên giường ngủ. Cũng cần cho bé biết rõ ràng những hành vi nào được chấp nhận và hành vi nào không được phép.

- Tạo các hoạt động chung để gia đình có thời gian vui vẻ bên nhau, chẳng hạn chơi trò chơi, đọc sách, tham dự các sự kiện tại cộng đồng mình sống.

- Tham gia các hoạt động ở trường lớp với con. Gặp gỡ giáo viên và nhân viên trường để hiểu về mục tiêu học tập và thể hiện bạn luôn chung tay với nhà trường để giúp con mình tốt nhất.

- Tiếp tục đọc sách với con. Khi con đã biết đọc, đổi lượt đọc cho nhau nghe.

- Sử dụng kỷ luật để hướng dẫn và bảo vệ con chứ không phải trừng phạt khiến trẻ cảm thấy tồi tệ về bản thân.

- Khen ngợi khi trẻ có hành vi tốt. Tốt nhất là tập trung khuyến khích nhiều vào những điều trẻ làm (chẳng hạn: con đã rất chăm chỉ hoàn thành bảng số này) thay vì những đặc điểm trẻ không thể thay đổi (chẳng hạn: con thật thông minh).

- Ủng hộ trẻ chấp nhận những thử thách mới. Khuyến khích con tự giải quyết các vấn đề, chẳng hạn mâu thuẫn với trẻ khác.

- Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ở trường lớp và các nhóm cộng đồng, chẳng hạn ra nhập đội thể thao hay trở thành tình nguyện viên cho các chương trình thiết thực.

Sự an toàn của trẻ là quan trọng nhất

Khả năng thể chất tốt hơn và độc lập hơn có thể khiến trẻ gặp nguy cơ tổn thương vì ngã hay các tai nạn khác ở độ tuổi này. Tai nạn xe cơ giới là nguyên nhân phổ biến nhất của tử vong do thương tích không chủ ý ở trẻ em 6-8 tuổi. Vì thế, cần:

- Bảo vệ con bạn đúng cách trong xe.

- Dạy con cẩn thận khi đi đường và cách đảm bảo an toàn khi đi bộ đến trường, đi xe đạp hay chơi ngoài trời.

- Đảm bảo trẻ hiểu về nguyên tắc an toàn khi dưới nước và luôn luôn giám sát khi trẻ bơi hay chơi gần nước.

- Giám sát con khi trẻ tham gia các hoạt động nhiều rủi ro, chẳng hạn leo trèo.

- Hướng dẫn con cách nhờ người khác giúp đỡ khi trẻ cần.

- Để các đồ gia dụng tiềm ẩn nguy cơ gây hại, thiết bị, vũ khí... khỏi tầm với của trẻ.

Giúp con giữ cơ thể khỏe mạnh

- Bố mẹ có thể giúp con có chế độ ăn uống lành mạnh tại trường bằng nhiều cách, chẳng hạn trao đổi với giáo viên, nhân viên trong trường về việc hạn chế lượng muối, đường, các chất béo rắn trong chế độ ăn cho trẻ (nếu có) hoặc mang bữa trưa tới trường.

- Đảm bảo con mỗi ngày có một tiếng trở lên các hoạt động thể chất.

- Giới hạn thời gian con ngồi trước màn hình, không quá 1-2 tiếng mỗi ngày, xem các chương trình chất lượng kể cả ở nhà hay ở trường.

- Thực hành thói quen ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất từ sớm. Khuyến khích các hoạt động vui chơi tích cực và bố mẹ làm gương cho con bằng cách ăn uống lành mạnh trong các bữa cơm gia đình và có lối sống năng động.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật