Trí tuệ cảm xúc (EQ) của trẻ 8 tháng tuổi, bạn có biết?

Nhiều bé bò tốt ở giai đoạn này. Khi bé dần năng động hơn, cần đề phòng bé ngã hay gặp nạn các mẹ nhé.

Chuyện ăn uống của bé

- Tiếp tục cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa bột dành riêng cho tuổi này cùng với thức ăn dặm

- Cho bé ăn thêm rau vào bột ăn dặm, trái cây hay bánh quy.

- Có thể cho bé uống nước trái cây như nước cam hay cà chua

- Ở tháng tuổi này, một số bé đã chuyển sang ăn cháo gạo vỡ nấu nhừ với các loại thịt, rau, củ, quả.

Chuyện ngủ của bé

Bé có thể ngủ giấc dài ban đêm, thậm chí không cần dậy ăn. Bé cũng ngủ ít hơn vào ban ngày, chỉ khoảng 1 - 2 giấc ngắn.

Các giác quan của bé

Khả năng về thị giác của bé đã phát triển đầy đủ. Bé chú ý đến tất cả chi tiết của môi trường xung quanh. Bé cũng biết lắng nghe nhiều hơn và hiểu được những từ ngữ bố mẹ nói.

Ngôn ngữ

Mặc dù phải mất vài tháng nữa bé mới biết nói chuyện thật sự, nhưng bé đã:

- Bắt đầu xâu chuỗi các âm tiết (bé trai biết hơi muộn so với bé gái) như 'ba' thành 'ba ba', 'má' thành 'má - má'...

- Bắt chước tiếng kêu động vật một cách dễ dàng khi nhìn thấy hình ảnh hoặc con vật thật.

Bây giờ bé đã biết nói được 2 âm tiết, hãy hát cho bé nghe các bài hát mẫu giáo dễ nhớ, và tiếp tục nhại lại bất cứ 'từ' nào mà bé nói. Hãy thường xuyên đọc sách, chỉ và gọi tên các vật cho bé biết.

Khả năng cầm nắm của bé

Bé biết cầm những vật nhỏ bằng ngón cái và ngón trỏ. Tập trung vào những đồ vật hơn là chỉ cần cố gắng chụp lấy chúng.

Khả năng vận động của bé

Bé đã bò rất tốt, có thể đứng lên mà không cần giúp đỡ. Bé có thể đứng lên nhờ tựa vào các đồ gỗ nhưng bé không biết phải làm gì khi đã đứng lên. Nhiều bé sẽ có thể đứng được từ cuối tháng này và một số có thể bắt đầu đi chập chững. Những bước đi đầu tiên của bé thường bắt đầu với việc đi đi lại lại trên đi văng hoặc đi quanh bàn nước, thành giường.

8 tháng tuổi, bé đã có thể tự lựa chọn đồ vật mình thích

8 tháng tuổi, bé đã có thể tự lựa chọn đồ vật mình thích

Sự hiếu động của bé

Tính tò mò của bé đang phát triển, bé khám phá môi trường xung quanh một cách nghiêm túc. Bé nhai, đập, ném hay trút hết ra ngoài những gì trong tầm tay bé.

Sự ham muốn được leo trèo của bé rất mạnh, bé cố gắng trèo lên những đồ gỗ thấp, những ngăn kéo đang mở hay cầu thang. Khi bé đã leo lên được thì lại không biết xuống như thế nào.

Nhận thức của bé

Bé ngày càng nhận biết mình là 1 thành viên độc lập trong gia đình và biết mình muốn gì. Khi bé có ước muốn dữ dội nhưng lại không đạt được thì bé trở nên giận dữ.

Bé bắt đầu biết sợ người lạ và khóc khi không thấy mẹ ở cùng. Đây là khởi đầu của cảm giác lo lắng khi xa mẹ. Trong thời gian này, bé sẽ học được khái niệm rằng khi mẹ rời khỏi bé, nghĩa là mẹ sẽ trở lại.

Cách thể hiện cảm xúc của bé

Cảm xúc của bé ngày một rõ nét. Bé vỗ tay khi cảm thấy thích thú hoặc vẫy tay tạm biệt, hôn người thân nếu bé vui mừng.

Bé cũng có thể bắt chước tâm trạng của người khác và biết thể hiện sự đồng cảm. Chẳng hạn, nếu thấy một em bé khóc, bé muốn tới xem và bắt đầu thể hiện cảm xúc.

Ở tháng tuổi này, trẻ đã bắt đầu hình thành trí tuệ cảm xúc. Trí tuệ cảm xúc hiểu một cách đơn giản là khả năng thấu hiểu và chia sẻ suy nghĩ với người khác và là một dạng trí tuệ cực kỳ quan trọng.

Theo nghiên cứu của Khoa phát triển gia đình và trẻ em thuộc Đại học Georgia (Mỹ) thì trí thông minh cảm xúc quyết định tới 80% khả năng thành công trong sự nghiệp của mỗi người.

Một số phương pháp kích thích sự phát triển trí thông minh cảm xúc ở trẻ trong giai đoạn này:

- Thường xuyên mỉm cười. Những cảm xúc tích cực của cha mẹ luôn ảnh hưởng đến bé rất nhiều.

- Diễn tả bằng nét mặt, lời nói những cảm xúc cho bé thấy.

- Tỏ ra quan tâm và chia sẻ khi bé khó chịu.

- Trò chuyện với bé bằng ngôn ngữ của trẻ thơ.

- Biểu lộ sự hài lòng và đừng tiết kiệm những lời khen mỗi khi bé tỏ ra lễ phép, ngoan ngoãn.

- Kiên trì và từ tốn giải thích cho bé hiểu mỗi lúc hành động không đúng của bé làm người khác bị tổn thương.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật