Xót xa trẻ em bị bạo lực tình dục bởi chính người thân

Phần lớn các vụ bạo lực tình dục trẻ em xảy ra ở những nơi được coi là an toàn như trường học, công sở hay thậm chí chính trong nhà của nạn nhân.

Cùng chia sẻ về chủ đề bạo lực tình dục ở Việt Nam, các chuyên gia đã chia sẻ những số liệu liên quan đến bạo lực tình dục trẻ em – đối tượng mọi người cho rằng “luôn được an toàn”.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng Khoa học về giới – gia đình phụ nữ và Vị thành niên cho biết, 73% số vụ xâm hại trẻ em có thủ phạm là người thân, người quen. Trong đó, 10% là cha dượng.

Theo bà Vân Anh, phần lớn các vụ bạo lực tình dục trẻ em xảy ra ở những nơi được coi là an toàn như trường học, công sở hay thậm chí chính trong nhà của nạn nhân. Mỗi ngày trung bình Việt Nam có 3 trẻ em bị xâm hại, nhưng điều đáng buồn là con số này vẫn chưa phản ánh được hết thực trạng.

Cũng chia sẻ với phóng viên, TS. Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội cũng nhận định, con số hơn 1.000 trẻ em bị xâm hại hằng năm chưa thực sự phản ánh thực tế là có nhiều trẻ em khác bị xâm hại tình dục mà không được báo cáo, bị gia đình giấu hoặc địa phương không báo cáo lên cấp trên.

Theo bà Hồng, trái với quan điểm cho rằng phụ nữ và trẻ em gái có thể tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế giao du với người lạ. Thực tế cho thấy, thủ phạm gồm cả những người được cho là đáng tin cậy như người cao niên, người có uy tín, giáo viên, những người nổi tiếng hay cả những người trong hệ thống thực thi pháp luật.

“Mọi người thường nghĩ trẻ em không đứng trước nguy cơ bị xâm hại tình dục nên không có giải pháp để ngăn ngừa những nguy cơ này”, bà Hồng nói.

Theo TS. Khuất Thu Hồng, do sự kỳ thị của dư luận với nạn nhân bị bạo lực tình dục vẫn rất nặng nề nên nhiều gia đình lựa chọn im lặng trước hành vi trẻ bị bạo lực tình dục.

“Họ chọn im lặng vì nhiều khi bộc lộ ra, họ không tìm được công lý mà chính họ lại là những người chịu hậu quả của sự kỳ thị. Tương lai của những đứa trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự kỳ thị của xã hội”, bà Hồng bày tỏ.

Văn phòng Nghiên cứu của UNICEF tại Việt Nam cũng cho biết, xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng tăng và ngày càng nghiêm trọng. Trong 8.200 vụ xâm hại trẻ em (10,000 nạn nhân), trong đó 65% là xâm hại tình dục.

Theo UNICEF, trẻ em bị bạo lực tình dục có thể do trong gia đình có bạo lực, cha mẹ ly dị hoặc qua đời. Ngoài ra, bố mẹ dính líu tới các hành vi phạm pháp, lệch chuẩn hoặc có thái độ thiếu nghiêm túc đối với các giá trị gia đình và xã hội… Ở trường học, tập quán về tôn sư trọng đạo khiến trẻ giữ im lặng khi bị giáo viên hay nhân viên nhà trường xâm hại. Đặc biệt, kiêng kỵ không nói về chủ đề xâm hại tình dục.

UNICEF tại Việt Nam phân tích, mặc dù đã có nhiều điều khoản nghiêm cấm các hành bị xâm hại, nhưng vẫn thiếu điều khoản hình sự hóa hành vi xâm hại trên môi trường mạng, xâm hại tinh thần trừng phạt thể chất.

Là cơ quan bảo vệ quyền của trẻ em ông Đặng Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em- Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đề xuất pháp luật và quản lý nhà nước nên quy định hành vi và khung hình phạt đối với các hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Ngoài ra, phải điều tra, truy tố, xét xử) đối với tất cả các hành vi xâm hại tình dục trẻ em.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật