Cha mẹ cần hiểu biết những gì về tình yêu tuổi học trò?

Cha mẹ cần có hiểu biết về những đặc điểm tâm lý của vị thành niên (VTN) khi trẻ bước vào tuổi yêu đương (tình yêu học trò) cũng như cung cấp cho chúng những hiểu biết và kỹ năng cần thiết để duy trì và đánh giá mối quan hệ tình bạn - tình yêu của lứa tuổi này. Lời khuyên dành cho con gái và con trai có những điều khác nhau nhưng điểm chung là nhấn mạnh về hành vi tự trọng, quý trọng chính bản thân mình, ý chí vươn lên và biết tôn trọng bạn khác giới.

Tình yêu học trò tuổi VTN đem lại những gì?

Hầu hết VTN đến cuối thời gian dưới mái trường trung học đều có một tình bạn gắn bó với ai đó khác giới. Và mối quan hệ này góp phần không nhỏ cho sự phát triển toàn diện của VTN. Những lợi ích của tình bạn đó là:

Tăng cường lòng tự tin: Được bạn khác giới cùng lứa tuổi yêu mến, giúp đỡ và kết bạn có ý nghĩa rất quan trọng đối với VTN, nhất là người bạn khác giới đó lại cũng được các bạn khác quý trọng, giúp khẳng định lòng tự tin về bản thân, từ đó các em cũng tin vào sự thành công của mình trong đời sống xã hội.

Nâng cao kỹ năng giao tiếp xã hội: Những buổi hẹn hò, gặp gỡ với bạn khác giới tạo cơ hội cho các em học được cách ứng xử, giao tiếp xã hội.

Khẳng định bản sắc và vai trò giới: cũng rất quan trọng, nam nữ thường muốn có cơ hội để thể nghiệm bản sắc và vai trò giới của mình. Những biểu hiện của nam tính và nữ tính được thể hiện thế nào để phù hợp với kỳ vọng của xã hội.

Hãy giữ cho tình yêu tuổi học trò luôn trong sáng.

Hãy giữ cho tình yêu tuổi học trò luôn trong sáng.

Phát triển những kỹ năng để hòa hợp: Sự hòa hợp là điều rất cần thiết trong mọi mối quan hệ, từ tình bạn tình yêu tình vợ chồng cho đến tình cha mẹ - con cái. Thiếu sự hòa hợp sẽ dẫn đến tâm lý tiêu cực (cảm thấy bơ vơ, lạc lõng giữa đám đông, giảm lòng tự tin). Sự tin cậy, quan tâm đến bạn và chia sẻ với bạn là những kỹ năng quan trọng cần được giáo dục, được thực hành để có sự hòa hợp. Trong tình yêu học trò, VTN học được những kỹ năng đó.

Hiểu biết những đặc tính tâm lý và những nhu cầu riêng: Trong tình yêu học trò, VTN học cách khám phá những đặc tính tâm lý và cách thức để đáp ứng những nhu cầu của nhau. Ví dụ có người thích sống riêng tư hơn là cuộc sống ồn ã, có người thích được khen, được động viên.

Trong quan hệ khác giới ở tuổi học trò, có nhiều phẩm chất cần bộc lộ sớm, như sự chân thành, sự kiềm chế và tôn trọng sự kiềm chế của bạn khác giới, ý tưởng hướng về một cuộc sống có lý tưởng...

Tuy nhiên, tuổi VTN với những mối quan hệ khác giới đầu tiên cũng có thể chịu ảnh hưởng của những tác động tiêu cực: ví dụ nếu bị thất bại ở những quan hệ đầu đời có thể làm cho lòng tự tin bị suy giảm. Bị ảnh hưởng xấu của bạn bè, làm biến đổi vai trò giới đã hình thành từ trong quá trình giáo dục của gia đình Mặc dù vậy, tình yêu tuổi học trò vẫn được xem là có tác dụng tích cực.

Để tình bạn, tình yêu tuổi VTN phát triển lành mạnh, mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái cần cởi mở, tạo cơ hội để có thể thẳng thắn chia sẻ về một số vấn đề liên quan: Những cuộc gặp gỡ cần như thế nào; những cách cư xử đúng mức, những điều cần tránh; biết phân biệt những phẩm chất cá nhân tốt và không tốt, những biểu hiện không chân thành...

Lời khuyên cho các VTN

Cuộc đời tạo ra rất nhiều mối quan hệ khác nhau và phong phú hơn theo thời gian: với anh chị em, bố mẹ trong gia đình, với bạn bè, với thầy cô giáo ở nhà trường, với người yêu, với đồng sự trong công việc và nhiều khi có những mối quan hệ không thể xếp vào loại nào. Trong nhiều hoàn cảnh, chúng ta có thể tiếp nhận được cái gì đó làm cho chúng ta tự tin hơn, vui vẻ hơn và trưởng thành hơn, đó là những hoàn cảnh tạo ra mối quan hệ tích cực, tốt đẹp.

Trong nhiều hoàn cảnh khác, chúng ta lại thấy mình rơi vào tình thế khó chịu, khó xử. Đôi khi không dễ dàng nhận thấy mình bị người yêu hay người bạn, hay một người thân trong gia đình đối xử không tôn trọng và không công bằng. Mọi mối quan hệ đều có thể có sự không hài lòng nào đó, có sự chịu đựng và cũng có khi cả sự bực bội, nhất là ở tuổi trẻ, giận hờn, hiểu lầm nhau một chút cũng là những nét “đặc trưng” của lứa tuổi này.

Chỉ như thế thôi cũng không nhất thiết coi mối quan hệ là không lành mạnh. Tuy nhiên, trong mối quan hệ nam nữ ở lứa tuổi thanh thiếu niên, lại cũng có nhiều sự lầm lẫn, ngộ nhận, thần tượng hóa bạn hay người yêu của mình, từ đó bắt chước, đua đòi một cách mù quáng. Điều cần thiết cho nam nữ thanh thiếu niên là biết nhận ra những gì là đúng sai trong mối quan hệ với nhau. Có những biểu hiện cần được xem như “cánh én báo hiệu mùa xuân”, sớm bộc lộ một nhân cách đang phát triển tốt đẹp, hứa hẹn một tình bạn, tình yêu bền vững.

Một quan hệ được coi là lành mạnh khi có những biểu hiện chính sau: biết cư xử với nhau một cách tôn trọng; cảm thấy an tâm, thoải mái và vui vẻ khi ở bên nhau; biết giải quyết các xung đột một cách êm thấm; biết giúp đỡ và quan tâm đến cuộc sống của nhau (sức khỏe, công việc...); tin tưởng nhau; cởi mở, thẳng thắn, độ lượng; mỗi người biết tôn trọng những điều riêng tư của nhau; không nghiện ma túy hoặc rượu; biết cùng nhau đặt ra những giới hạn trong tình cảm thực hành sự kiềm chế. Dấu hiệu đáng tin cậy nhất của mối quan hệ lành mạnh là cả hai người đều cảm thấy tự tin và tin cậy vào nhau và với niềm tin đó, họ sẽ tiến đến một mối quan hệ hòa hợp, bình đẳng và hạnh phúc trong tương lai.

Gọi là mối quan hệ không lành mạnh, khi một trong hai người có những biểu hiện: lấn át, trịch thượng; xúc phạm nhau bằng lời nói; gây phiền nhiễu cho nhau; nói xấu bạn của nhau; không muốn bạn thân với người khác; không lắng nghe nhau; quá ích kỷ ghen tuông vì những chuyện vụn vặt; có những quan điểm hẹp hòi về chủng tộc, tôn giáo; lạm dụng tiền bạc hoặc tài sản của nhau; có hành vi thô bạo hoặc làm tổn hại đến trẻ em; không biết kiềm chế khi có những bất đồng; coi hưởng thụ là mục đích của cuộc sống, có xu hướng dễ dãi về tình dục không yêu quý chính bản thân, liều lĩnh với sinh mạng của mình (từ đó dễ dẫn đến nhiều hành vi nguy hại như đua xe, nghiện ma túy).

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật