SCách xử trí những tác dụng phụ của thuốc tra, nhỏ mắt

Thuốc tác dụng tại chỗ dùng trong nhãn khoa do tính thuận tiện, dễ sử dụng nên người bệnh có thể tự dùng theo chỉ định của thầy thuốc. Hơn nữa, dược chất tập trung chủ yếu ở mắt và chỉ có một phần rất nhỏ dược chất được hấp thu vào tuần hoàn máu, hạn chế được nhiều tác dụng phụ của thuốc.

Dạng bào chế tác dụng tại chỗ

Thuốc tác dụng tại chỗ dùng trong nhãn khoa có nhiều dạng khác nhau. Tuy nhiên, người bệnh thường quen thuốc với hai dạng bào chế sau:

 Thuốc nhỏ mắt: Là những chế phẩm lỏng (dung dịch hay hỗn dịch) vô khuẩn có chứa một hay nhiều dược chất được nhỏ vào túi kết mạc với mục đích chẩn đoán hay điều trị các bệnh về mắt. Một dạng dùng nữa của thuốc nhỏ mắt là dạng bột vô khuẩn và được pha với một chất lỏng vô khuẩn thích hợp ngay trước khi dùng. Thuốc nhỏ mắt là dạng bào chế phổ biến nhất, chiếm trên 70% các chế phẩm thuốc dùng cho mắt. 

Thuốc mỡ tra mắt: Là dạng thuốc bán rắn vô khuẩn, thường được điều chế với hỗn hợp tá dược vaselin trắng, lanolin và dầu khoáng. Dược chất trong thuốc mỡ tra mắt có thể tan trong hỗn hợp tá dược (thuốc mỡ kiểu dung dịch) hoặc phân tán trong hỗn hợp tá dược với kích thước tiểu phân dưới 75µm (thuốc mỡ kiểu hỗn dịch). So với thuốc nhỏ mắt, sinh khả dụng của dược chất từ dạng mỡ tra mắt thường vượt trội do: thời gian tiếp xúc của thuốc với niêm mạc mắt kéo dài, ít bị pha loãng bởi nước mắt, không bị loại trừ theo ống mũi lệ, thuốc được giải phóng từ từ do tác động của mỗi lần chớp mắt. Tuy nhiên, dạng mỡ tra mắt có nhược điểm làm mờ mắt tạm thời mỗi khi tra thuốc nên thường phải dùng vào buổi trưa, tối...

 Thuốc nhỏ mắt cần dùng theo chỉ định của thầy thuốc.

Và những nguy cơ…

Trong số các loại thuốc tác dụng tại chỗ dùng cho mắt, đáng lưu ý nhất và cũng được sử dụng thông dụng nhất là 2 loại: kháng sinh và corticosteroid.

Thuốc kháng sinh dùng cho mắt thường bị người sử dụng coi thường, ví dụ chlorocid 0,4%. Thiếu máu bất sản là biến chứng nguy hiểm nhất do dùng chlorocid nhỏ mắt. Mặc dù chlorocid  ít hấp thu vào máu nhưng những bệnh nhân có tiền sử bản thân hay gia đình suy tuỷ thì không nên dùng. Hoặc với thuốc nhóm quinolon như ciprofloxacin thường gây ra kết tủa tinh thể, cảm giác dị vật ở mắt, sung huyết, sưng mi mắt, chảy nước mắt, sợ ánh sáng... Lưu ý các kháng sinh dùng đồng thời có thể gây kháng chéo dị ứng chéo như  chloramphenicol không dùng đồng thời với gentamycin, tetracyclin, sulfadiazin,...

Trên thị trường có rất nhiều thuốc nhỏ - tra mắt chứa corticosteroid, thường thấy là các loại thuốc sản xuất trong nước được sử dụng rất rộng rãi và có thể thấy ở mọi nơi, đặc biệt các vùng nông thôn như: polymycin phối hợp dexamethason (polydexa), chloramphenicol phối hợp hydrocortison (chlorocid-H), mỡ hydrocortison...

Đặc điểm chung là giá rẻ, dễ tìm, dễ mua nên người dân hay tự ý mua thuốc về tự sử dụng mà không hỏi ý kiến thầy thuốc. Tuy nhiên, các thuốc này có thể gây ra rất nhiều tác dụng phụ nguy hiểm cho mắt như tăng nhãn áp (glocom hay còn gọi là thiên đầu thống), đục thuỷ tinh thể, viêm giác mạc nông, loét giác mạc, bội nhiễm, nhiễm nấm mắt, chậm lành vết thương...Học sinh hay sử dụng máy vi tính cần lưu ý là dùng thuốc sẽ có cảm giác dễ chịu, mắt cảm giác sáng ra.  Nhưng nếu dùng kéo dài như vậy đến một lúc nào đó nhìn mờ dần, cơ mắt teo đi, khi đi khám thì đã muộn.
 

Cách nhỏ thuốc nước

- Để lọ nhỏ thuốc cách lông mi 3- 4 cm.

  - Nhỏ 1-3 giọt thuốc nước vào góc trong của mắt.

  - Kéo mi dưới xuống cho thuốc phân bố đều khắp mắt.

  - Lau các giọt thuốc thừa chảy ra cạnh sống mũi và hai mi.

  - Tránh đầu lọ thuốc chạm vào lông mi vì gây nhiễm bẩn cho lọ thuốc.

Nếu phải nhỏ 2 - 3 loại thuốc khác nhau, cần tránh nhỏ chúng cùng một lúc vì chúng sẽ pha loãng nhau ra và rất dễ lãng phí thuốc. Tốt nhất, mỗi thuốc nhỏ cách nhau 20 - 30 phút, đây là khoảng thời gian đủ để thuốc trước đã ngấm vào mắt. Thuốc nước thường nhỏ 3 - 4 lần hoặc 6 - 8 lần trong ngày, tuỳ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh.

Cách tra thuốc mỡ

 - Mở khe mắt của bệnh nhân bằng cách: dùng ngón trỏ để mở mi trên, ngón cái kéo mi dưới cho lộ kết mạc ra.

 - Tay phải bóp một thỏi thuốc mỡ chừng 2cm.

 - Giữ mi trên không cho chớp vội vì nếu buông mi trên ra trước, thuốc mỡ sẽ dính vào mi trên gây lãng phí, đồng thời thuốc mỡ không ngấm được vào trong mắt.

Thuốc mỡ tra mắt tốt nhất là tra vào buổi trưa và tối trước khi đi ngủ.

 ThS.DS. Vũ Hồng Minh

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật