Hướng dẫn một số biện pháp phòng ngừa bệnh tay chân miệng

Thực hiện ăn chín, uống chín, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi.

Em được biết là bệnh tay chân miệng đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là vào mùa Hè. Bác sĩ cho em hỏi, bệnh này có bị lây lan không và có cách nào để chữa dứt điểm được không ạ? Bé nhà em hơn 3 tuổi, ở Hà Nội, vậy đợt này cháu có cần tiêm phòng hay chế độ dinh dưỡng cho cháu như thế nào để phòng bệnh tốt nhất, mong được bác sĩ tư vấn giúp ạ. Em cảm ơn bác sĩ!

Trả  lời:

Chào em,

Bệnh tay chân miệng (TCM) là một hội chứng bệnh ở người do vi-rút đường ruột họ Picornaviridae gây ra. Chủng vi-rút gây bệnh TCM phổ biến nhất là Coxsackie A (A16) và Enterovirus 71 (EV - 71). Đây là bệnh thường gặp ở nhũ nhi và trẻ em

Bệnh được biểu hiện là sốt đau họng và nổi ban có bọng nước. Đây là một bệnh rất dễ lây, đường lây truyền thường từ người sang người do tiếp xúc với các dịch tiết mũi họng nước bọt chất dịch từ các bọng nước hoặc phân của người bệnh. Giai đoạn lây mạnh nhất là tuần đầu tiên bị bệnh TCM.

Bé nhà em hơn 3 tuổi, không biết cháu có đi học mẫu giáo không? Dựa vào đặc điểm dịch tễ và đường lây của vi-rút, các nhà trường với điều kiện vệ sinh kém, có trẻ bị mắc bệnh TCM thì nguy cơ lây bệnh là rất cao.

Bệnh TCM hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh nên việc giữ gìn vệ sinh cho cháu cũng như môi trường mà cháu tiếp xúc là rất cần thiết. Đối với các nhà trường (mầm non, mẫu giáo) việc vệ sinh môi trường trong lớp học cũng như xung quanh cần phải được quan tâm hàng đầu (nhất là việc tiệt khuẩn, vệ sinh đồ chơi của các cháu vì các cháu rất hay đưa tay lên miệng). Nếu trường có trẻ bị mắc bệnh TCM thì nên cho trẻ ở nhà, cách ly với các bạn.

Để phòng chống bệnh TCM, Bộ Y tế đã đã đưa ra khuyến cáo như sau:

1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

2. Thực hiện ăn chín, uống chín, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi.

3. Thường xuyên lau rửa đồ chơi, dụng cụ học tập mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

5. Theo dõi sức khỏe của trẻ hàng ngày, khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh cần cách ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Chế độ dinh dưỡng cho cháu cần đầy đủ các nhóm thực phẩm như: tinh bột đạm, dầu vitamin và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Em cần kiểm tra lại tiền sử tiêm chủng của cháu, nếu mũi tiêm nhắc lại nào đến lịch hẹn thì nên đưa con đến cơ sở y tế tiêm chủng đầy đủ.

Chúc hai mẹ con mạnh khỏe!

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật