Khi cãi nhau, bố mẹ nên nhớ những điều này để trẻ không bị tổn thương

Gia đình xảy ra xung đột, cha mẹ không hòa thuận thì chính những đứa con sẽ là người thiệt thòi và bất hạnh nhất.

Trẻ lớn lên trong sự nuôi dưỡng, chở che của cha mẹ và cha mẹ cũng chính là người cho bé cảm giác an toàn nhất. Bởi vậy khi thấy cha mẹ to tiếng với nhau, sự an toàn ấy bị lung lay, bé thường sợ hãi mà khóc òa lên. Các bậc phụ huynh hãy vì con trẻ mà khéo léo giải quyết các mâu thuẫn trong gia đình, đừng để bé yêu bị tổn thương vì những điều không đáng có.

1. Tránh xảy ra tranh chấp trước mặt trẻ

Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng những trẻ em thường xuyên phải chứng kiến cảnh cha mẹ cãi vã, xúc phạm, thậm chí đánh đập nhau sẽ chịu nhiều tổn thương về mặt tâm lý. Trẻ sẽ trở nên hướng nội, thường có các biểu hiện chán nản và trầm uất. Một số bé lại bắt chước các cử chỉ, lời nói trong lúc giận dữ của cha mẹ và dần hình thành nên khuynh hướng bạo lực. Điều này rất có hại cho sự phát triển của trẻ em và có thể gây nên những hậu quả đáng tiếc sau này. Vì vậy, các bậc cha mẹ hãy cố gắng kiểm soát cơn giận của mình, nếu giữa hai người xảy ra mâu thuẫn cũng nên cố gắng tránh cãi vã, xô xát trước mặt con thơ.

2. Cố gắng kiểm soát âm lượng và giọng điệu

Có những cặp vợ chồng hễ bất đồng ý kiến là bắt đầu lớn tiếng tranh luận với nhau. Làm như vậy sẽ khiến trẻ hiểu lầm rằng cha mẹ đang cãi nhau to và không còn yêu thương nhau nữa. Một số bé đặc biệt nhạy cảm sẽ buồn bã và cảm thấy áp lực từ chính những lời quát tháo của cha mẹ.

Ngoài ra, việc thường xuyên chứng kiến cha mẹ to tiếng với nhau cũng làm mất đi hình ảnh đẹp đẽ, đáng kính của bạn trong mắt trẻ. Hãy tranh luận trong không khí hòa bình, tôn trọng lẫn nhau, kiểm soát âm lượng và giọng điệu của bản thân để không làm bé yêu lo lắng. Đó cũng là một cơ hội để bạn dạy bé về đức tính kiên nhẫn và bình tĩnh xử lý tình huống nữa đấy!

 Trẻ dễ bị trầm uất khi chứng kiến bố mẹ mâu thuẫn (Ảnh: Internet)

 Trẻ dễ bị trầm uất khi chứng kiến bố mẹ mâu thuẫn (Ảnh: Internet)

3. Nếu lỡ cãi nhau trước mặt con, hãy chú ý các biểu hiện của bé

Nếu một ngày bạn phát hiện ra bé yêu vốn dĩ nhanh nhẹn, hoạt bát của mình bỗng trở nên ngày càng lầm lì, ít nói thậm chí hay nóng nảy và dễ nổi cáu thì rất có thể bé đã chịu tác động từ những trận cãi vã của cha mẹ. Lúc này, việc bạn cần làm là bồi đắp tình cảm gia đình cho bé, có thể bằng những chuyến đi chơi công viên, những chuyến dã ngoại với cha mẹ hay đơn giản là thường xuyên cùng bé ăn bữa cơm quây quần bên nhau. Cảm nhận được tình yêu thương cha mẹ dành cho nhau và cho mình sẽ giúp xoa dịu những căng thẳng của bé, cải thiện những biểu hiện tiêu cực kể trên.

4. Cho bé thấy các mâu thuẫn đều có thể được hòa giải

Các bậc phụ huynh hãy dạy con rằng chúng ta sống trong xã hội đều không tránh khỏi những lúc bất đồng quan điểm dẫn đến xung đột với người khác. Dù cha mẹ có cãi nhau to thế nào thì sau đó cũng cần xác nhận trước mặt con rằng hai bạn đã làm hòa với nhau.

Đồng thời, bạn cũng nên thừa nhận với bé rằng những hành vi như la hét, quát mắng là không hợp lý, để tránh bé bắt chước khi gặp phải tình huống tương tự trong tương lai. Hãy khiến bé hiểu rằng điều quan trọng sau mỗi cuộc cãi vã là phải biết bao dung với nhau, đặc biệt là các thành viên trong gia đình.

Đối với những trẻ còn quá nhỏ, chưa hiểu hết được các lí lẽ thì hai bạn có thể dùng những cử chỉ thân mật để chứng minh cho bé thấy cha mẹ vẫn luôn yêu thương nhau và yêu thương cả con nữa. Cách làm trực quan này có tác dụng củng cố cảm giác an toàn và tin tưởng nơi trẻ.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật