Làm thế nào để chữa trị và phòng ngừa vẹo cột sống hiệu quả?

Khi trẻ bị vẹo cột sống, lúc đầu cơ thể thường tự bù trừ (giúp giữ thăng bằng, không có dấu hiệu, khác biệt) và vì thế cha mẹ thường ít để ý, không phát hiện ra. Nếu không điều trị thì bệnh sẽ ngày càng tiến triển, độ vẹo sẽ ngày càng rõ rệt và khi trưởng thành người bệnh sẽ bị thấp đi trung bình khoảng 5-6cm. Nếu vẹo cột sống nặng hơn hoặc để lâu dài, lồng ngực sẽ bị biến dạng, gây xẹp phổi khiến bệnh nhân khó thở, ảnh hưởng đến hệ tim mạch và có thể gây đau đớn do chèn ép dây thần kinh. Mặt khác, vẹo cột sống ảnh hưởng rõ nhất đến thẩm mỹ, bề ngoài của người bệnh, khiến họ mất tự tin và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. 

Tùy theo mức độ cong vẹo nặng hay nhẹ mà có các biện pháp điều trị khác nhau. Nếu góc vẹo nhỏ, dưới 40 độ, bệnh nhân có thể chỉ cần theo dõi định kỳ, tập vật lý trị liệu hoặc được điều trị bằng áo chỉnh hình cột sống. Nhưng khi góc vẹo lớn hơn 40 độ thì bệnh nhân cần được phẫu thuật.

Cán bộ y tế trường học, cha mẹ học sinh có thể khám sàng lọc cho học sinh và con em mình bằng những kỹ thuật đơn giản và dễ thực hiện. Khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường, hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám chẩn đoán xác định và được tư vấn về các biện pháp dự phòng và điều trị kịp thời.

Để phòng ngừa cong vẹo cột sống, cần cải thiện điều kiện vệ sinh trường học. Bàn ghế, chiếu sáng nơi học tập cặp sách các em học sinh mang hàng ngày là những yếu tố nguy cơ gây cong vẹo cột sống ở học sinh.

Khi ngồi học, hai bàn chân được đặt ngay ngắn, vững chắc trên sàn, giữa cẳng chân và đùi tạo thành 1 góc tối ưu là 90 độ (dao động trong khoảng 75-105 độ), nên để cạnh trước của mặt ghế ăn sâu vào cạnh sau mặt bàn 4-6cm, lưng có thể tựa vào tựa lưng của ghế để tăng thêm điểm tựa, thân thẳng, đầu và cổ hơi ngả về phía trước, hai tay để ngay ngắn trên mặt bàn. Nếu không tạo thành thói quen đúng ngay từ những ngày đầu đi học sau này rất khó sửa chữa, dù bàn ghế phù hợp, các em vẫn ngồi sai. Tư thế ngồi sai không chỉ gây ra cong vẹo cột sống mà có thể dẫn đến những rối loạn cơ xương khác và nguy cơ mắc tật cận thị cao.

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, tính đa dạng về giá trị dinh dưỡng của mỗi bữa ăn nhất là các bữa chính. Đặc biệt cần quan tâm đến các thực phẩm có nhiều can xi và vitamin D, đây là các yếu tố giúp cho sự phát triển của xương trong giai đoạn phát triển.

Đảm bảo thời gian ngủ cần thiết theo từng lứa tuổi. Tuổi càng nhỏ, nhu cầu ngủ càng nhiều. Trung bình, học sinh từ 7-10 tuổi cần ngủ 11 - 10 giờ; Từ 11-14 tuổi thời gian ngủ là 10 - 9 giờ; Từ 15-17 tuổi thời gian ngủ là 9 - 8 giờ.

Khám cong vẹo cột sống định kỳ sẽ giúp cho việc phát hiện sớm các trường hợp cong vẹo cột sống để có thể có cách xử trí và kiến nghị phòng chống kịp thời. Ngoài ra, việc khám phát hiện cong vẹo cột sống định kỳ còn có tác dụng giúp cho nhà trường gia đình và bản thân học sinh quan tâm hơn tới sức khỏe tích cực tham gia vào chương trình phòng chống cong vẹo cột sống học đường.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật