'Ngại' ăn sáng: Cảnh báo bạn dấu hiệu bệnh nguy hiểm

Khi bị những bệnh này, người bệnh luôn cảm thấy khó chịu vào buổi sáng, thậm chí là đau quặn bụng.

Bữa sáng vô cùng quan trọng trong ngày, cung cấp cho chúng ta năng lượng để có một ngày làm việc hiệu quả. Tuy thế, một số người không thể ăn sáng được do mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa. Dưới đây là 3 bệnh khiến cho việc ăn sáng trở thành thảm họa.

Hội chứng ruột kích thích

 

Bệnh lý này làm cho bệnh nhân vô cùng khó chịu, xuất hiện những cơn đau quặn bụng. Theo TS. Vũ Thị Lừu, Chuyên khoa Nội tiết, Bệnh viện E thì: 'Triệu chứng của bệnh là cứ mỗi buổi sáng không ăn sáng thì không sao chứ hễ ăn vào là sẽ bị đau bụng đi ngoài, đau không chỉ buổi sáng mà có thể đau cả buổi trưa hay tối sau khi ăn no. Ăn ít không đau nhiều nhưng ăn no rất khó chịu phải đi ngoài mới hết, mỗi lần đi thì phân giống tiêu chảy, rất nặng mùi'.

Đây là một bệnh lý đường ruột thường gặp, tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, bệnh kéo dài làm người bệnh luôn lo lắng, căng thẳng, mất ngủ, luôn luôn lo sợ bị các bệnh hiểm nghèo khác của ruột. Biểu hiện của bệnh là:

+ Đau bụng hoặc cảm giác khó chịu ở bụng kéo dài 12 tuần hoặc trong 12 tháng trước đó.

+ Đau giảm sau đại tiện.

+ Thay đổi hình dạng khuôn phân.

+ Thay đổi số lần đi đại tiện.

+ Số lần đại tiện không bình thường (>3 lần/ngày hoặc < 3lần/tuần).

+ Phân không bình thường (lỏng, cứng, nhão).

+ Đại tiện có lúc phải chạy vội vào nhà vệ sinh, phải rặn nhiều hoặc cảm giác đi chưa hết phân.

+ Bụng chướng hơi, cảm giác nặng tức bụng.

+ Phân có nhầy mũi nhưng không bao giờ có máu.

Đối với người mắc hội chứng ruột kích thích cần phải thay đổi cách ăn sáng như ăn ít một, ăn thức ăn lỏng mềm, dễ tiêu. Các bữa ăn nên được chia nhỏ đều trong ngày, loại bỏ thức ăn khó tiêu, dễ sinh hơi như: khoai, sắn, bánh ngọt nhiều bơ, hoa quả có nhiều đường (cam, quýt, xoài, mít...); đồ uống nhiều đường và có gas, chất kích thích (rượu, cà fê, gia vị chua cay...); những thức ăn để lâu, bảo quản không tốt. Nếu có ỉa chảy tránh ăn nhiều thức ăn có nhiều chất xơ (rau muống, rau cải, dưa...). Luyện tập đại tiện 1 lần trong ngày, xoa bụng buổi sáng khi ngủ dậy để gây cảm giác muốn đại tiện, luyện tập thư giãn, khí công, tập thể dục, đi bộ thường xuyên. 

Đối với nhiều người bị viêm loét dạ dày thì ăn sáng cũng giống một cực hình. Bệnh nhân thường không ăn sáng được trong một thời gian nhất định cho dù đã cố gắng để ăn. Nhiều khi, nhìn vào thức ăn là buồn nôn. Thường thì người bệnh sẽ có cảm giác buồn nôn hoặc ợ chua. 

Nói về biểu hiện của bệnh, bác sĩ Nguyễn Văn An, Bệnh viện Đa khoa Nam Định cho biết:

* Viêm loét dạ dày:

- Đau bụng vùng thượng vị (vùng bụng trên, ngay dưới mũi ức), ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn.

- Đói đau, no quá cũng đau. Đang đói, đau, ăn nhẹ thì hết đau. Đau tăng lên khi ăn các thức ăn như chuối tiêu, dứa, dưa chua…

* Viêm loét hành tá tràng:

- Đau vùng thượng vị: Đau dữ dội, đau rát, đau như bị cào gặm; hoặc đau âm ỉ, bụng đầy hoặc có cảm giác cồn cào như đói.

- Cơn đau giảm khi ăn thức ăn. Cơn đau lại đến sau khi ăn 1,5-3 giờ. Cơn đau thường làm bệnh nhân tỉnh dậy ban đêm. Có thể kéo dài vài ngày đến vài tháng.

Bác sĩ An đưa ra lời khuyên với những bệnh nhân có biểu hiện trên nên đi khám chuyên khoa tiêu hóa, làm các xét nghiệm cận lâm sàng đặc biệt là soi dạ dày tá tràng (tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng).

Viêm đại tràng

Đây cũng là bệnh tiêu hóa thường gặp. Đối với bệnh nhân mắc viêm đại tràng, thì bữa sáng nếu ăn đồ nước có thể gây đau bụng. Mặt khác, nếu thực phẩm là đồ dầu mỡ có thể gây nôn nao, khó chịu. Ngoài ra, buổi sáng thức dậy, người bệnh thường cảm thấy đắng miệng, chán ăn. 

Biểu hiện thường gặp của bệnh như:

+ Đau bụng và đau quặn

+ Thường có cảm giác nặng bụng, như có khối đá nằm trong bụng.

+ Trong phân thường có lẫn máu

+ Có cảm giác sôi sùng sục trong bụng, kèm theo đó là muốn đại tiện.

 

+ Đi đại tiện thì phân có lẫn máu.

+ Bị giảm cân do không hấp thụ được chất dinh dưỡng.

+ Bệnh nhân bị mất nước.

Để biết cách điều trị dứt điểm và biết chính xác thời gian, loại thuốc dùng trị bệnh, người có triệu chứng của bệnh viêm đại tràng nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn, khám và chữa trị bệnh.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật