Phân biệt bệnh sởi và sốt phát ban như thê nào cho chính xác?

Hai bệnh đều giống nhau ở thời điểm ủ bệnh nhưng lại khác nhau ở biểu hiện và ảnh hưởng sau này.

Hiện nay, nhiều bệnh viện tại Hà Nội ghi nhận số lượng bệnh nhân nhập viện do sởi và sốt phát ban khá nhiều. Tuy nhiên, nhiều người, đặc biệt là các bậc phụ huynh, chưa hiểu đầy đủ cũng như phân biệt rõ sự khác nhau giữa hai căn bệnh này. Điều này thực sự rất nguy hiểm trong việc theo dõi và chăm sóc trẻ nhỏ.


Do vậy, việc rất quan trọng là tăng cường sự hiểu biết về bệnh sởi và sốt phát ban; từ đó, giảm thiểu những tác hại và biến chứng không mong muốn đối với người bệnh nói chung và trẻ nhỏ nói riêng.

Nhiều cha mẹ hoang mang

Thấy con trai 3 tuổi bị sốt cao, đến ngày thứ 3 thì nổi lấm tấm nhiều nốt đỏ trên da. Lo con mình bị sởi, chị Phương thảo (Minh Khai - Hai Bà Trưng) liền đưa con đến bệnh viện khám. Tuy nhiên, bác sỹ khẳng định, con gái chị chỉ bị sốt phát ban thôi vì không có triệu chứng của bệnh sởi, còn các nốt đỏ trên da mấy ngày sẽ bay hết.

Ngược lại, bé Minh Khánh, 2 tuổi, cũng con trai chị Thu Hà (Trung Hòa - Cầu Giấy) bị sởi nhưng gia đình không biết lại tưởng bé chỉ bị sốt phát ban thông thường nên không đưa con đi khám cứ ở nhà điều trị, chỉ cho hạ sốt bằng thuốc Efferalgan. Sốt liên tục mấy ngày không khỏi kèm theo ho, khó thở và các nốt ban đỏ xuất hiện toàn thân dày đặc, chị mới đưa con đến khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai khám thì con chị đã bị bội nhiễm do sởi.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, việc phát hiện và phân biệt giữa sốt phát ban và bệnh sởi sẽ giúp ích rất nhiều cho phụ huynh trong việc theo dõi và chăm sóc trẻ. Đây cũng là một trong những yếu tố tích cực làm giảm đáng kể những biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi, nhất là biến chứng viêm phổi nặng có thể gây tử vong nhanh chóng. Nguyên nhân gây sốt phát ban hầu hết do nhiễm virus thông thường (70-80%), trong đó nhóm virus đường hô hấp luôn chiếm đa số và hầu hết là những virus lành tính. Còn sởi do virus thuộc giống Morbillivirus của họ Paramyxoviridae. Bệnh sởi là tình trạng nhiễm virus cấp tính.

Để phân biệt rõ hai căn bệnh này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng lưu ý phụ huynh, hai bệnh đều giống nhau ở thời điểm ủ bệnh. Giai đoạn này, sốt phát ban và bệnh sởi đều có biểu hiện như sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao 38-39 độ C), xuất hiện cảm giác mệt mỏi, lừ đừ vì sốt cao, trẻ đau đầu hay nhức mỏi các cơ bắp, biếng ăn, biếng bú, một số trẻ có thể bị nôn ói hoặc tiêu chảy.

Tuy nhiên sau đó, ở giai đoạn phát ban, nếu là phát ban thông thường, thì chỉ là những ban đỏ nhưng mịn và sáng, ít gồ lên mặt da, ban nổi đồng loạt khắp cơ thể và sau khi bay thường không để lại sẹo hoặc vết thâm.

Còn nếu là phát ban do sởi lại có những đặc trưng như: Lúc đầu ban xuất hiện ở sau tai, sau đó lan ra mặt, dần xuống ngực, bụng và ra toàn thân. Đặc điểm ban sởi là ban dạng sẩn (ban gồ lên mặt da), khi bay sẽ để lại những vết thâm trên da. Đặc biệt trẻ bị nhiễm sởi thường có một trong 3 triệu chứng đặc trưng đi kèm đó là triệu chứng chảy nước mũi, ho và mắt đỏ. 

Nhận biết đúng bệnh là cơ sở để hạn chế các biến chứng có thể xảy ra

Sự nguy hiểm của bệnh sởi dễ xảy ra với những biến chứng như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm thanh quản, phế quản, khí quản và viêm não, nhiều khi dẫn đến tử vong. Trẻ em là đối tượng nhiễm bệnh dễ dàng và có thể xuất hiện những biến chứng nặng nề. Hầu hết trường hợp tử vong khi bị bệnh sởi thường không do virus sởi gây ra mà do những biến chứng.

Sốt phát ban do nhóm siêu vi thông thường hầu hết đều là bệnh lành tính. Trẻ bị sốt phát ban nếu được chăm sóc đúng cách, hợp lý về chế độ dinh dưỡng và cách giữ gìn vệ sinh thân thể thì bệnh sẽ tự khỏi sau 5-7 ngày mà không gây nên bất kỳ biến chứng nguy hiểm nào cho trẻ.

Ngoài ra, đối với những trường hợp mắc sởi nhẹ không cần phải nhập viện mà được hướng dẫn điều trị tại nhà. Người bệnh cần được nằm cách ly, tránh gió lạnh, nghỉ ngơi, khi sốt có thể dùng thuốc hạ sốt, ăn thức ăn mềm, hạn chế tiếp xúc và thường xuyên đeo khẩu trang. Cha mẹ tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc đông y cho con, nếu dùng thuốc kháng sinh thì phải tuân theo chỉ định của bác sĩ. Nếu trẻ sốt cao liên tục, khó thở, tiêu chảy mất nước, ho nhiều... thì lúc đó phải đưa đến bệnh viện điều trị để tránh biến chứng nguy hiểm.


Bác sĩ Dũng cho biết thêm, để phòng bệnh, biện pháp tốt nhất là tiêm vắc-xin phòng sởi. Tất cả những trẻ đã quá lịch tiêm chủng, chưa bị mắc sởi thì nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ. Khi trẻ đủ 9 tháng tuổi, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm vắc-xin và tiêm nhắc lại mũi thứ 2 khi trẻ 18 tháng tuổi. Việc tiêm liều thứ 2 có thể tạo miễn dịch cho trẻ tới 95%.

Các mẹ có thể tiêm chủng cho con vắc-xin ngừa 3 bệnh Rubella, sởi, quai bị bằng mũi 3 trong 1 theo thời gian: Mũi thứ 1 tiêm khi trẻ 12 tháng tuổi; mũi thứ 2 tiêm trong độ tuổi từ 4-6 tuổi. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản thì tiêm một liều duy nhất (phụ nữ chỉ được có thai sau khi tiêm vacxin được 3 tháng).

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật