Phòng ngừa và điều trị sốc phản vệ do ong đốt gây ra

Đa số các trường hợp bị ong đốt đều nhẹ do số lượng vết đốt ít và loài ong ít độc tính.

Tuy nhiên, nếu bị nhiều vết đốt, do những loài ong độc hoặc cơ thể quá mẫn cảm với nọc ong thì nạn nhân có thể bị tử vong

Một số loài ong và độc tính

Ong có rất nhiều loại, phổ biến nhất là ong mật, ong ruồi, ong bò vẽ, ong bắp cày, ong vàng... Trong đó, ong bò vẽ, ong bắp cày hung dữ và có độc tính cao. Ong thường sống hoang dại, cá biệt có một số loài được nuôi như ong mật để lấy sáp, mật hoặc nhộng ong.

Khi bị ong đốt cần rửa chỗ bị đốt bằng nước sạch và xà phòng, sau đó cố gắng lấy bỏ những chiếc ngòi ong có nọc độc ra khỏi chỗ bị đốt.

Độc tính của ong có các chất gây độc thần kinh, tiêu cơ vân, hoại tử tế bào, gây các phản ứng viêm và dị ứng mạnh. Độc tố được chứa trong bụng ong và giải phóng ra ngoài qua một kim nhọn (ngòi) ở đít ong. Ong dùng nọc độc để tự vệ hoặc tấn công kẻ thù.

Nhiều loài ong độc có thể gây tử vong cho con người

Nhiều loài ong độc có thể gây tử vong cho con người 

Sau khi châm vào mô, phần ngòi bị đứt ra và nằm tại chỗ bị châm. Hiếm khi ong chủ động tấn công con người (trừ một số loài ong hung dữ như ong mặt quỷ). Chúng chỉ tấn công khi bị quấy rầy, bị chọc phá tổ hoặc khi con người vô tình chạm phải.

Mức độ nặng sau khi bị ong đốt phụ thuộc vào loài ong (loài ong mật ít độc tính nên thường nhẹ khi bị đốt); số nốt đốt (trên 10 nốt đốt là nặng) và mức độ nhạy cảm của người bị đốt (những người có cơ địa dị ứng, dễ bị sốc phản vệ) cũng như việc cấp cứu sau khi bị ong đốt có kịp thời hay không. Thực tế cũng cho thấy các triệu chứng thường có xu hướng nặng hơn ở những người gầy yếu, có bệnh mạn tính, người già và trẻ em.

Từ biểu hiện dị ứng đến sốc phản vệ

Biểu hiện của ong đốt bao gồm 3 nhóm triệu chứng chính: các phản ứng kiểu dị ứng; sốc phản vệ và những biểu hiện muộn toàn thân. Các phản ứng dị ứng xuất hiện ngay sau khi ong đốt: nạn nhân rất đau buốt; vùng bị đốt sứng nề, tấy đỏ, phù cứng, vết đốt đỏ bầm sau chuyển màu đen, vùng da và mô mềm chung quanh phù nề nhanh chóng, nhất là khi bị đốt ở khu vực đầu, mặt, cổ.

Các triệu chứng tiến triển nhanh và cũng giảm dần hoặc mất đi hoàn toàn trong vòng 24 - 48h. Nguy hiểm nhất là các phản ứng kiểu sốc phản vệ. Sau khi bị ong đốt, bệnh nhân thấy mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, khó thở, tức ngực, mạch nhanh, huyết áp tụt, vật vã kích thích, có thể có tiếng thở rít do phù nề thanh môn cấp, nôn mửa, tiêu chảy, rối loạn ý thức, hôn mê và tử vong.  

Bên cạnh hai nhóm triệu chứng trên, nọc ong còn gây tổn thương tế bào tại các cơ quan trong cơ thể như gây tiêu cơ, hoại tử cơ vân cấp. Khi cơ vân bị tổn thương sẽ giải phóng ra chất myoglobin làm tắc ống thận, gây suy thận cấp và tổn thương đa cơ quan.

Các tổn thương này xuất hiện muộn sau 2 - 3 ngày: bệnh nhân thấy mệt mỏi, nôn, ăn uống kém, loạn nhịp tim, vàng mắt, vàng da, tiểu ít hoặc vô niệu, xét nghiệm thấy có suy thận và tổn thương gan cấp.

Xử trí khi bị ong đốt

Khi bị ong đốt, nạn nhân cần được xử trí theo những bước sau đây:

Tại chỗ: Rửa chỗ bị đốt bằng nước sạch và xà phòng; Cố gắng lấy bỏ những chiếc ngòi ong có nọc độc ra khỏi chỗ bị đốt; chườm nước đá, bôi vôi tôi, mật ong hoặc đắp hành tươi, lát khoai tây thái mỏng vào chỗ bị đốt cũng góp phần làm giảm đau đáng kể. Có thể bôi kem thuốc có hydrocortisol, thuốc giảm đau có benzocaine để giảm đau, chống viêm tại chỗ.

Toàn thân: Xử trí ngay các biểu hiện của sốc phản vệ (nếu có) bằng cách cho thở ôxy nếu có khó thở, cho ngay adrenalin và corticoide đường khí dung, tiêm dưới da hoặc tiêm tĩnh mạch tùy mức độ nặng, có thể đặt ống nội khí quản hoặc mở khí quản cấp cứu ngay nếu có suy hô hấp nguy kịch do phù nề thanh môn. Cho các thuốc giảm đau (paracetamol, ibuprofen...).

Theo dõi thật sát tình trạng nạn nhân hoặc nếu bị ong đốt nhiều thì chuyển ngay đến các trung tâm y tế chuyên sâu để theo dõi biến chứng suy tạng (tim, thận, gan) để xử trí cấp cứu kịp thời.

Phòng tránh ong đốt

Việc phòng tránh ong đốt hết sức đơn giản như không chọc phá tổ ong; vào mùa ong sinh sản, nên tránh những khu vực cây cối có nhiều hoa (như nhãn, vải...) nơi ong hay làm tổ. Phá bỏ những tổ ong nơi có nhiều người qua lại, không để ong làm tổ trong nhà.

Khi phải tiếp xúc với ong, nên mang đủ trang bị phòng tránh như quần áo dày, mũ trùm đầu, kính... Có thể dùng bình xịt nước hoa, thuốc xịt diệt côn trùng hoặc khói để xua đuổi những loài ong dữ. Khi đi rừng, cẩn trọng với những mô đất cao cạnh những gốc cây vì có thể đó là tổ của ong đất, một loài ong dữ và độc.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật