Thực hư về câu chuyện loại thảo dược chữa bách bệnh

Mức giá của loại dược liệu này bị đẩy lên hàng chục rồi đến hàng trăm lần, có thời điểm đạt tới 1,5 triệu đồng/1kg.

Thời gian gần đây, bỗng dưng ở huyện Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên) xuất hiện tin đồn cây cam lồ (hay còn gọi là cây chanh rừng) chữa được bách bệnh khiến hàng trăm người từ các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa bỏ công ăn việc làm đổ xô về đây để tìm. Mức giá của loại dược liệu này bị đẩy lên hàng chục rồi đến hàng trăm lần, có thời điểm đạt tới 1,5 triệu đồng/ 1kg. Mức giá đó khiến người ta cày tung những cánh rừng để mong tìm được “thần dược” rồi mua bán cho nhau mà không hề biết công dụng thực hư như thế nào.

Bất chấp hiểm họa chết người từ rắn độc, muỗi rừng độc hại, nhiều người là nông dân vẫn thâm nhập từng cánh rừng sâu của huyện Sơn Hòa (Phú Yên) để “truy tìm” cây cam lồ bán kiếm tiền. Gần đây, nghề chặt cam lồ đã trở thành nghề chính kiếm sống của nhiều hộ dân miền núi ở địa phương này. “Làm nghề này cực lắm, bỏ mạng vì dính bẫy đặt như chơi ấy”, anh Nguyễn Văn Tuấn (Sơn Hòa, Phú Yên) - một người thợ rừng đi lùng tìm cam lồ cho biết. Nhưng điều đó cũng không ngăn được những người thợ rừng rong ruổi cùng những dụng cụ giữa tận rừng sâu săn loài cây thời gian gần đây được cho là chữa bách bệnh này.

Theo thợ săn Ẩn cam lồ là loại cây mọc hoang trong rừng sâu, trước đây người ta khai thác và bán chúng với giá 500 nghìn đồng/1kg. Nhưng từ khi có thông tin cây cam lồ có tác dụng điều trị dứt điểm bệnh cao huyết áp và bệnh “gút”, ngoài ra còn chữa được các bệnh như đường ruột, bệnh gan bệnh phổi… thì giá được đẩy lên gấp cả chục lần.

“Ngày trước vào rừng chừng tiếng đồng hồ là có thể kiếm được cả chục kg đem về phơi khô để chữa thấp khớp đau lưng. Nhưng từ khi thông tin cây này chữa được bách bệnh, là “đặc sản hạng sang”, nhiều người cũng đã lùng tìm loại cây này về bán. Không chỉ người ở tỉnh Phú Yên, mà nhiều nơi từ Quy Nhơn, Nha Trang đến Hà Nội Sài Gòn, cả người nhà các Việt kiều cũng đặt hàng loại cây này’, anh Tuấn cho biết.

Cũng theo những người thợ đi tìm loại cây này thì ngày trước loại cây này bán ngay tại bìa rừng chỉ được 7.000 - 10.000 đ/kg, bây giờ một kg giá dao động mức 500.000 – 1 triệu đồng/kg, có khi cao hơn nhưng không phải dễ dàng kiếm được. Họ lùng sục, đào bới, chặt phá theo kiểu tận diệt loại cây này để bán.

Theo lời của một người tên Ẩn tham gia tìm kiếm cho biết: “Khoảng 5 ngày trước, có một số người lạ mặt ở địa phương khác đến đây chặt thân, đào rễ cây cam lồ và “tiết lộ” thông tin cây này bán rất nhiều tiền vì nó có tác dụng chữa bách bệnh. Ngày hôm sau có người đến hỏi mua loại cây này nên người dân ở đây cùng tham gia đi đào để bán.

Mấy ngày đầu bán với giá 170.000 đồng/kg rễ tươi và 40.000 đồng/kg cành nhánh tươi, hiện nay giá rễ tươi “đẩy” lên đến 1,4 triệu đồng/kg nhưng đã cạn kiệt không có để bán. Vì thế nhiều người dân ở đây dốc sức đến các khu vực núi cao, rừng sâu lân cận, có người ra đến huyện Krông Pa (Gia Lai) để tìm kiếm cây cam lồ chặt về bán! Nghề chặt cam lồ kiếm được tiền trang trải cuộc sống do gần đây nhiều người săn về chữa bệnh, lại không phải đi gỗ phá rừng nên được nhiều người làm, nhưng cũng nguy hiểm lắm!”, anh Ẩn phân trần.

 Cực kì đắt đỏ dù mù mờ công dụng

Khi đơn đặt hàng tăng cao thì cũng là lúc nhiều người chọn nghề chặt cây này làm kế sinh nhai, nên cam lồ ngày càng… khan hiếm. Nhiều người phải đi đến tận các vùng rừng xa ở Sông Hinh, Sơn Hòa, thậm chí lên cả Gia Lai, Đắk Lắk mới tìm được. Tuy nhiên dù đi xa đến vậy thì trung bình mỗi ngày lặn lội trong rừng cũng chỉ tìm được 3-4kg là nhiều.

Chúng tôi cầm một nhánh cây cam lồ đến các tiệm thuốc đông y ở TP. Tuy Hòa để tìm hiểu công dụng thực tế của loài cây được cho là có công dụng “thần dược” này. Đa số các chủ tiệm thuốc đều cho biết, cây cam lồ cũng chính là một loại thuộc họ của cây xáo tam phân đã được báo chí thông tin thời gian qua ở khu vực Hòn Hèo (tỉnh Khánh Hòa) có khả năng chữa được một số bệnh, chứ không phải bách bệnh như lời đồn thổi.

Bác sĩ Lê Bá Thính, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Phú Yên cho biết, thì: “Trong đông y, không có một loại cây nào chữa được nhiều bệnh. Mỗi loại cây có giá trị về dược tính khác nhau, thầy thuốc phải biết kết hợp nhiều loại dược tính để chữa một chứng bệnh nào đó. Thời gian qua, người dân đồn thổi về cây mật nhân chữa được nhiều bệnh, nhưng trên thực tế không phải như vậy. Riêng loại cây cam lồ, chúng tôi sẽ tìm hiểu và sớm có khuyến cáo cho người sử dụng”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Sô Minh Lộc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Sơn Phước (Sơn Hòa, Phú Yên), địa điểm có nhiều người tìm tới để chặt cây cam lồ cho biết: “Khi phát hiện có người lạ đến địa phương chặt thân, đào rễ cây cam lồ, chúng tôi đã đến khu vực này để tìm hiểu. Các người này cho biết họ ở huyện Tuy An, có một số ở tỉnh Khánh Hòa, Bình Định. Qua tìm hiểu thì được biết cây cam lồ là cây xáo tam phân chữa được rất nhiều bệnh".

Ông Lộc cũng cho biết UBND xã đã chỉ đạo công an xã và dân quân địa phương kiểm tra, ngăn chặn và trục xuất những người đến khu vực đồi núi này để săn tìm loại cây mà họ gọi là “thần dược”. Khu vực này Nhà nước đã giao đất cho các hộ dân ở đây trồng rừng, nên UBND xã đang phối hợp với các chủ rừng tiếp tục ngăn chặn không cho người dân chặt cây, đào bới ở khu vực này.

Hiện tại chưa có thông tin về tác dụng của loại cây này nhưng với nạn chặt phá bừa bãi, tàn phá rừng nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường tự nhiên, mong rằng các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép, lập lại trật tự ở địa phương.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật