Phương thuốc số 1 bồi bổ sức khoẻ từ nhân sâm bạn chớ bỏ qua

“Nhân sâm dưỡng vinh thang” là một trong những bài thuốc bổ có sử dụng vị thuốc quý Nhân sâm có tác dụng song bổ khí huyết, được ứng dụng rộng rãi trong điều trị bệnh và bồi bổ sức khỏe.

Bài thuốc “Nhân sâm dưỡng vinh thang” là một trong những bài thuốc bổ có sử dụng vị thuốc quý Nhân sâm (có thể thay thế bằng Đảng sâm). Bài thuốc này thường được dùng cho những người cơ thể suy nhược, người mới ốm dậy, mắc bệnh mạn tính thiếu máu ăn ngủ kém. Bài thuốc là tinh hoa từ nhiều vị thuốc bổ khí, bổ huyết, kiện tỳ, liễm âm, ninh tâm định chí… phối ngũ với nhau để tạo nên công dụng tuyệt vời của bài thuốc.

Khí huyết liên quan đến các tạng phủ như Can (chủ tàng huyết), Tâm (chủ huyết mạch), Tỳ (nguồn hóa sinh ra khí huyết), Phế (Phế chủ chư khí, khí là soái của huyết), Thận (Thận chủ nạp khí, Thận sinh tinh, tinh sinh huyết). Các tạng phủ bị tổn thương làm ảnh hưởng đến sự sinh hóa, vận hành của khí huyết. Ngược lại, nếu khí huyết hư, không nuôi dưỡng các tạng phủ đầy đủ được sẽ làm công năng tạng phủ bị giảm sút. Vì vậy, dưỡng khí huyết cũng chính là dưỡng tạng phủ, khí huyết đầy đủ thì tạng phủ được kiện khang, cơ thể cường tráng.

Bài thuốc bao gồm các vị thuốc sau:

Nhân sâm 12g; Đương quy 12g; Bạch thược 12g; Thục địa hoàng 16g; Bạch Truật 12g; Phục linh 12g; Quế tâm 4g; Sinh Hoàng kỳ 12g; Trần bì 8g; Viễn chí 4g; Ngũ vị tử 4g; Đại táo 12g; Sinh khương 3 lát; cam thảo 6g

Sắc uống ngày 1 thang.

Tác dụng: Bổ khí huyết, dưỡng tâm an thần.

Chủ trị: Phế tỳ khí hư tâm tỳ dương hư, khí huyết lưỡng hư: Mệt mỏi suy nhược, tứ chi vô lực, đoản hơi đoản khí, cốt tiết (xương khớp) đau nhức ăn uống kém nhạt miệng vô vị, hồi hộp đánh trống ngực đạo hãn (ra mồ hôi trộm), chân tay lạnh, hay quên (kiện vong) mất ngủ (thất miên) nôn mửa (ẩu thổ).

Đây là một bài thuốc “thập toàn đại bổ” (Nhân sâm, Phục Linh, Bạch truật, Cam thảo, Xuyên khung, Đương quy, Thục địa, Bạch thược, Hoàng kỳ, Nhục quế), bỏ vị thuốc Xuyên khung và gia thêm các vị Ngũ vị tử, Trần bì, Viễn chí, có sử dụng Đại táo, Sinh khương cùng thang để kích thích tỳ vị kiện vận tốt hơn.

Bài thuốc có sử dụng Nhân sâm có tác dụng đại bổ nguyên khí (Phế chủ khí, phế khí vượng thì khí cũng các tạng phủ khác cũng vượng, tinh huyết tự sinh mà hình thể tự vượng) trị các chứng phế tỳ khí hư (ích thổ sinh kim).

Cùng với Nhân sâm còn có các vị thuốc Phục linh (kiện tỳ thấm thấp), Bạch truật (Kiện tỳ táo thấp), Cam thảo (Kiện tỳ ích khí) đều có tác dụng bổ khí, ích tỳ vị, lợi thấp, táo thấp (thấp làm hại tỳ thổ, làm tỳ mất kiện vận, mất nguồn hóa sinh khí huyết). Hoàng kỳ có tác dụng ích khí cố biểu, trong phương lại có Đương quy (bổ huyết) kết hợp cùng Hoàng kỳ có tác dụng sinh huyết (ích tỳ khí, làm mạnh nguồn hóa sinh ra khí huyết, từ cái vô hình sinh ra cái hữu hình, khí thuộc dương, huyết thuộc âm, bổ khí huyết ở đây hợp với cái lý dương sinh âm trưởng là vì vậy).

Thục địa là vị thuốc có tác dụng bổ âm, bổ huyết (thục địa bổ ích âm tinh mà sinh ra huyết). Trong bài sử dụng Ngũ vị tử, Bạch thược có tác dụng liễm âm mà dưỡng huyết Trần bì, Quế tâm có tác dụng ôn kinh thông kinh lạc để khí huyết được vận hành thông sướng, đi tới lục phủ ngũ tạng, cơ nhục mà nuôi dưỡng toàn thân. Viễn chí (bỏ lõi) có tác dụng dưỡng tâm an tâm, ninh tâm định chí, các vị thuốc bổ khí huyết giúp khí huyết đầy đủ, tâm tỳ được nuôi dưỡng, ngũ tạng được dưỡng vinh. Toàn bài có tác dụng ích khí bổ huyết, dưỡng tâm an thần.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật