Mẹ đơn thân: Hãy để cuộc sống của bé luôn đong đầy yêu thương!

Hãy cùng vun đắp từng ngày để cuộc sống của bé luôn đong đầy yêu thương.

Đối với một người mẹ đơn thân, nuôi dạy và chăm sóc trẻ như thế nào để trẻ không tự ti về việc ‘không có bố’ đã khó, lại phải luôn là người bạn đồng hành trong mọi khó khăn, cũng như luôn làm trẻ tự hào về một người mẹ luôn yêu thương, quan tâm chăm sóc mình, và đối với trẻ như thế là ‘đủ’. Thực sự đó là cả một thách thức lớn với các mẹ đơn thân. Nhưng nói vậy không có nghĩa là mẹ đơn thân không thể khiến con tự hào. Hãy cùng vun đắp từng ngày để cuộc sống của bé luôn đong đầy yêu thương.

Yêu thương không bao giờ là đủ: Sự yêu thương là dưỡng chất có thể ươm mầm và vun trồng cho sự bình yên trong tâm hồn cũng như sự thăng hoa trong cảm xúc. Đứa trẻ nào cũng cần sự yêu thương từ bố mẹ. Trẻ của những bà mẹ đơn thân còn cần nhiều hơn tình thương yêu ấy. Ngay từ khi trẻ có xúc giác, hãy luôn ôm ấp và truyền tình thương cho trẻ ngay từ khi trẻ biết nghe, hãy đừng kiệm lời những thông điệp yêu thương.

Hãy cho con cảm nhận được mẹ yêu con biết bao vì yêu thương là loại ‘tiền tệ mà càng nhiều thì lại càng ít’.

Thái độ sống tích cực: Trẻ vốn vượt trội về khả năng bắt chước của mình. Do vậy, sẽ không hay chút nào khi bạn để những hậm hực và bất mãn đối với đời sống đơn thân. Bởi lẽ, những thai độ đó sẽ hằn sâu lên nhận thức của trẻ. Nếu trong cuộc sống hàng ngày, bạn vấp phải những khó khăn nào đó, hãy đương đầu và giải quyết triệt để chứ không nên lảng tránh rồi để những nhọc nhằn đó ‘gặm nhấm’ sự chịu đựng của mình. Luôn là một tấm gương sống tích cực và lạc quan là cách tốt nhất để bạn nuôi dưỡng và định hình trí óc non nớt của con. Đừng ngần ngại hỏi ý kiến của những người đồng cảnh ngộ để tìm ra giải pháp vượt qua những khó khăn đó.

Thái độ sống tích cực và lạc quan là loại vi-rút ‘dễ lây truyền từ mẹ sang con’.

Câu hỏi muôn thuở: Không bà mẹ đơn thân nào có thể né tránh được câu hỏi của trẻ về việc ‘bố con đâu?’, do vậy, hãy bản lĩnh đối mặt với sự trăn trở này không chỉ khi bé bắt đầu đặt câu hỏi mà hãy nên từ rất sớm. Tốt nhất, bạn nên chia sẻ với con thực trạng ‘không bố’ dù trẻ chưa hiểu ý nghĩa và bản chất của từ này. Điều này giúp trẻ dần quen và nhận thức về sự việc trước khi chúng hiểu chính xác và trọn vẹn điều đó có nghĩa là gì. Bạn nên giúp trẻ hiểu rằng có nhiều ‘hoàn cảnh sống’ khác nhau cho mọi người (như gia đình có cha mẹ và con cái, ông bà và cháu, cậu mợ và không con…) và tình trạng ‘chỉ có hai mẹ con mình’ chỉ là một trong những ‘khả năng’ ấy.

Điều quan trọng là đừng tạo cảm giác rằng trẻ là nguyên nhân chính khiến cha rời bỏ hai mẹ con.

Nhất quán trong cách dạy con: Do phải gồng gánh trên vai trách nhiệm và bổn phận của cả hai vai trò làm bố và làm mẹ cùng lúc, nhiều bà mẹ đơn thân đã không nhất quán trong cách nuôi dạy con mình. Có lúc họ cứng rắn, kiên quyết trước những đòi hỏi của trẻ nhưng lắm lúc lại cũng dễ dãi nuông chiều mọi ước muốn của trẻ với ý nghĩ mong bù đắp những thiệt thòi cho con. Điều này vô tình khiến trẻ sẽ có tâm lý ‘lờn thuốc’ đối với những sự nghiêm khắc nhưng rồi lại dịu dàng ngay sau đó của mẹ. Để làm chủ được điều này đòi hỏi người mẹ phải quán triệt trong tư tưởng về cách dạy con. Các bà mẹ nên chọn ‘phong cách cương nhiều hơn nhu’ để uốn nắn trẻ vào khuôn phép. Xét cho cùng, nếu một đứa trẻ có kỷ luật và nhân cách tốt thì sớm muộn gì chúng cũng nhận ra tình thương vô bờ của mẹ dù cho trong cách dạy con thường ngày mẹ chúng có ‘cứng’ đến đâu đi nữa.

Nhất quán trong cách dạy con sẽ tránh được tình trạng ‘lờn mặt’ và ương bướng nơi con trẻ.

Phân công lao động: Một đứa trẻ nhiệt tình phụ giúp mẹ lúc nhỏ là một trong những dấu hiệu trẻ sẽ hăng hái đỡ đần mọi người xung quanh sau này. Do đó, đừng tiết kiệm lời khen với con trẻ vì đó chính là nguồn năng lượng thúc đẩy chúng nhiệt tình tham gia giúp đỡ mẹ và mọi người xung quanh. Tuy nhiên, bạn nên khen việc làm cụ thể như ‘Con gấp quần áo gọn gàng và giỏi quá’ chứ đừng chỉ khen chung chung ‘Công chúa của mẹ giỏi ghê’. Hay khi giao việc cho trẻ, bạn cũng nên giao việc cụ thể như ‘Con cất đồ chơi vào rổ nhé’ chứ đừng nói chung chung ‘Con hãy dọn phòng đi’.

Đừng quên bổ sung vào ‘tài khoản yêu thương’ của con những lời khen khi trẻ biết phụ giúp mẹ và mọi người.

Đừng trút bầu tâm sự với con: Do thiếu vắng một người bạn đời bên cạnh để chia sẻ những tâm sự và khó khăn của cuộc sống, nhiều bà mẹ đơn thân đã tìm đến ngay chính con mình để trút cả nỗi lòng như ‘Tháng này lại thiếu tiền đóng học cho con rồi’. Trẻ nhỏ hoàn toàn chưa được chuẩn bị tâm lý kỹ càng để ‘chào đón’ những nặng nề hoặc sự phức tạp trong cuộc sống của người lớn.

Do đó, bạn có thể làm cho trẻ bối rối. Tệ hơn, nhiều trẻ khi đến một độ nhận thức nhất định, chúng sẽ hoặc nghĩ mẹ mình không có bản lĩnh đương đầu những khó khăn hoặc chính bản thân chúng là nguyên do cho sự tồi tệ trong cuộc sống của cả hai mẹ con. Đây là một trong những sai lầm phổ biến của nhiều bà mẹ đơn thân hiện nay. Thay vì tìm sự thông cảm nơi trẻ, người mẹ nên san sẻ nỗi lo âu nơi người thân, bạn bè hoặc những đồng nghiệp tâm đầu ý hợp với mình.

Hãy để trẻ là người tâm sự với bạn chứ đừng ‘đổi ngôi’ khi con vẫn còn non nớt về tư duy và không thể ‘gánh nổi’ những khó khăn tinh thần của bạn.

Sự nghiệp ‘trồng người’ chưa bao giờ là dễ dàng. Với các bà mẹ đơn thân, việc ‘gieo trồng’ này còn khó khăn gấp bội. Tuy nhiên, với những định hướng và chia sẻ ở trên, hy vọng những mẹ đơn thân luôn là niềm tự hào trong tâm hồn của trẻ.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật