Tính thực dụng - Một trong những nguyên nhân của vô cảm

Nếu phỏng vấn bất cứ ai, chắc chắn 100% không ai nhận mình là “vô cảm”, thế nhưng thực tế, sự vô cảm đã thành đại dịch trong cuộc sống như là sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Ai cũng dễ nhận ra những hiện tượng vô cảm đang xảy ra quanh mình như thấy kẻ cắp không dám tri hô, thấy người đang khó khăn hoặc gặp nạn trên đường vẫn dửng dưng không giúp đỡ... và phẫn nộ thực sự nhưng “bệnh” vô cảm vẫn tồn tại. Nói điều trên để thấy mâu thuẫn giữa nhận thức và hành động trong từng con người trước một hiện tượng cụ thể.

Gốc của bệnh vô cảm bắt đầu từ suy nghĩ thực dụng. Tính thực dụng càng lớn thì bệnh vô cảm trong xã hội càng trầm trọng. Tồn tại mâu thuẫn giữa nhận thức và hành động trong con người kẻ được gọi là vô cảm lại bắt đầu từ sự “thông minh” của họ.

Sự vô cảm đã thành đại dịch trong cuộc sống

Sự vô cảm đã thành đại dịch trong cuộc sống

Nhỏ như một lời “xin lỗi ghế này ai ngồi chưa?” trong quán ăn hay lời “cảm ơn!” sau khi được ai nhường chỗ trên ôtô bỗng thành thứ xa xỉ, thừa phí trong bộ óc thông minh của người bị bệnh vô cảm. Nói họ “thông minh” bởi những ai quen với “cảm ơn, xin lỗi” đều là kẻ “rách việc” trong mắt họ! Một người nhặt được chiếc ví tiền ai đánh rơi trên vỉa hè cứ cầm và đứng đợi người mất quay trở lại không chỉ là người “rách việc” mà còn là kẻ dở hơi, ngu muội trong suy nghĩ thông minh của người vô cảm bởi cái lý của họ là “có tiền không biết giữ, mất là đáng”, “trả lại cái ví cho người mất thì được gì khi mất thì giờ đứng đợi, thế rõ là kẻ rỗi hơi, rách việc!”. Tính thực dụng trong bộ óc “thông minh” của người vô cảm lại càng coi những ai biết yêu một vệt nắng chiều, một mặt hồ nước hoặc sự nhiệt tình giúp người không quen biết là điên, là hâm bởi những điều trên chả đem lại cái lợi nào có thể đong đếm được.

Tính thực dụng sẽ biến nhiều người thành kẻ vô cảm và họ sẽ rất “thông minh” trong tính toán. Thấy kẻ đang móc túi mà nhắc người sắp bị mất cắp thì không phải không muốn tri hô nhưng bộ óc “thực dụng - thông minh” phát ngay tín hiệu báo động cho trái tim: “Nhỡ nó xỉa cho một cái, chẳng phải đầu cũng phải tai, rồi vợ con khổ”. Tính thực dụng khi gặp người bị nạn có thể khiến kẻ vô cảm tò mò đứng xem nhưng bộ óc thông minh phát tín hiệu “mình được gì nếu mất thì giờ đưa người bị nạn đến bệnh viện”.

Tính thực dụng len vào công sở rất dễ biến người vốn không vô cảm trở thành... “vô cảm - thông minh”! Một thủ trưởng ra quyết định sai không phải không ai biết nhưng tính thực dụng khiến người ta “thông minh” khi nghĩ tới thiệt hại nếu mất lòng cấp trên và trở thành vô cảm trước sự phát triển của cơ quan. Thậm chí có người dũng cảm phê phán, đấu tranh với cấp trên sai trái, tham nhũng nên bị trù dập, vu khống thì sự lương thiện trong con người có thể xuất hiện sự thương cảm, đồng tình với kẻ đúng và yếu nhưng sự “thông minh” của thói thực dụng sẽ biến người ta vô cảm trước nỗi oan, sự cô đơn của đồng nghiệp, vô cảm trước sự thật bị chà đạp.

Tôi nghĩ, 7 vị điều tra viên của Công an Bắc Giang trong vụ án ông Chấn bị tù oan 10 năm trước, không phải không có ai trong đó cảm thấy ông Chấn bị oan vì lúc này rất nhiều người ngoài cuộc nhận thấy đủ lý do ông Chấn vô tội huống là họ là người trong cuộc, trong ban chuyên án! Công bằng mà nói, họ không định vu tội cho ông Chấn nhưng bệnh thành tích muốn đóng án nhanh cùng với ai đó chủ quan tưởng tượng ra mục đích phạm tội của kẻ tình nghi khiến họ không khách quan và cố chứng minh cho điều mình tưởng tượng. Nếu người tưởng tượng là cấp trên thì sự “thông minh” của thói thực dụng càng khiến tập thể ban chuyên án muốn chứng minh thủ trưởng đúng để hy vọng được đánh giá tốt, được khen thưởng, thêm sao, lên chức và làm mọi cách để chứng minh nhận định của cấp trên kể cả ép cung, vô cảm trước những lời kêu oan của nghi phạm. Xem ra tính thực dụng này đã biến con người thành rô-bốt trong khi nhân loại đang mọi cách muốn rô-bốt có tính người hơn!

Sự vô cảm nhỏ sẽ dần biến thành vô cảm lớn như khối ung thư trong cơ thể, to dần lên. Những loại người như Dương Chí Dũng cùng đồng bọn hẳn từ nhỏ đâu đã vô cảm nhưng tính thực dụng, sự “thông minh” đã khiến họ vô cảm với nỗi đau đồng loại, vô cảm với sự phát triển của dân tộc, vô cảm trước nguy cơ tụt hậu của đất nước, vô cảm trước nhân dân mới dám mua đống sắt vụn về gọi là ụ nổi để thản nhiên lấy tiền của dân, của nước đút túi riêng!

Vô cảm không chỉ là “bệnh” thờ ơ với những điều xấu đẹp xung quanh mình mà bắt đầu từ tính thực dụng với những toan tính tưởng là thông minh. Bệnh không chữa, lớn dần dễ làm trái tim chai sạn, tâm hồn khô cằn khiến người ta chỉ biết mình, từ sẵn sàng tranh giành, đấu đá cho đến thành tội phạm như tham ô, tham nhũng, thản nhiên giết người phi tang, thậm chí nã cả súng vào đồng đội...

Đã đến lúc cần phải báo động đỏ về “bệnh” vô cảm như một đại dịch đang lây lan trong đời sống. Nó không chỉ như chuyện ghẻ lở trên nhân cách cá nhân mà có thể kéo lùi sự phát triển của đất nước, tàn phá văn hóa và chuẩn mực đạo đức của cả một dân tộc.   

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật