Giới thiệu cách chữa vô sinh từ phác đồ kích thích buồng trứng mới

Phác đồ kích thích buồng trứng mới GI được tối ưu hóa nhằm mở ra cơ hội cho phụ nữ điều trị vô sinh do bệnh buồng trứng đa nang.

Phác đồ này đã được tối ưu hóa nhằm giúp tăng thêm thành công cho phụ nữ điều trị vô sinh vì bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Trước đây, với phác đồ FSH đơn thuần kích thích sự phát triển của nang noãn, tỷ lệ có thai là 30% nhưng dễ gặp nguy cơ buồng trứng quá kích. Hiện nay, theo ThS. BS. Hồ Mạnh Tường - Tổng thư ký Hội nội tiết Sinh sản và Vô sinh TP.HCM, các chuyên gia điều trị vô sinh đã tìm cách tối ưu hóa phác đồ điều trị vô sinh.

Tăng liều dần

Theo khảo sát trên 299 ca ứng dụng phác đồ mới với liều thấp tăng dần, 11% không đáp ứng điều trị. Trong số 89% số bệnh nhân còn lại, khoảng 40% có thai. Với phương pháp này, quá kích buồng trứng ít hoặc hoàn toàn không xảy ra. Qua theo dõi, khoảng 4% số bệnh nhân bị biến chứng quá kích buồng trứng vừa, với 2 ca trên 2 thai. Những trường hợp bệnh nhân có nguy cơ đa thai các bác sĩ sẽ hẹn bệnh nhân siêu âm lại vào khoảng 7 tuần tuổi thai để phát hiện đa thai và tư vấn giảm thai sớm.

BS. Tường cho biết: “Trước đây, phương pháp Clomiphene Citrate là biện pháp gây phóng noãn đầu tay cho bệnh nhân PCOS. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng y khoa cho thấy, tỉ lệ gây phóng noãn thấp, bên cạnh đó, tác dụng phụ lên nội mạc tử cung và chất nhầy cổ tử cung khiến tỉ lệ có thai cũng thấp. trong khi đó, xu hướng hiện nay tuổi của người vợ đi điều trị hiếm muộn ngày càng tăng, cơ hội điều trị thành công thấp hơn và tì lệ bất thường noãn tăng. Do đó, phác đồ này ít được sử dụng.

Càng giảm cân càng dễ có con

Theo BS. Tường, hội chứng buồng trứng đa nang là rối loạn nội tiết và chuyển hóa phổ biến, chiếm khoảng 5 - 10% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Những bệnh nhân bị PCOS thường tập trung nhiều triệu chứng: rối loạn phóng noãn, cường androgen và siêu âm phát hiện buồng trứng đa nang.

Rối loạn phóng noãn được chẩn đoán khi bệnh nhân bị rối loạn kinh nguyệt thường theo kiểu kinh thưa (chu kỳ kinh nguyệt > 35 ngày hay có kinh 8 lần/năm) hoặc vô kinh (không có kinh > 6 tháng) hoặc vòng kinh ngắn (khoảng cách giữa 2 lần hành kinh < 24 ngày).

BS. Tường khuyến cáo: “Cường androgen được biểu hiện bằng rậm lông- tóc (ria mép, lông bụng - ngực), mụn trứng cá Đặc biệt béo phì cũng là một trong những biểu hiện của cường androgen.

Chỉ cần giảm 5% trọng lượng cơ thể, kết quả điều trị vô sinh sẽ thay đổi. Chế độ ăn cần giảm năng lượng (giảm chất béo, tăng chất xơ), và tăng hoạt động cơ thể.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật