Nhiễm khuẩn bệnh viện và những cái chết thầm lặng, chớ chủ quan

Lưỡi hái vô hình ở bệnh viện

Nói về nhiễm khuẩn bệnh viện PGS.TS Nguyễn Việt Hùng (Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đó là hệ quả tất yếu của quá trình chữa bệnh tại bệnh viện Bệnh nhân muốn được chữa bệnh thì phải làm các thủ thuật can thiệp vào cơ thể. Nếu khâu vô trùng dụng cụ phẫu thuật, vật dụng, môi trường… không chuẩn thì vi khuẩn đang tồn tại trong bệnh viện có đường xâm nhập vào cơ thể người bệnh.

Nhiễm khuẩn bệnh viện thường xuất hiện sau 48 giờ kể từ khi nhập viện do các tác nhân gây bệnh trong môi trường bệnh viện.

Điều cực kỳ nguy hiểm là các ca nhiễm khuẩn bệnh viện luôn diễn tiến rất nặng vì người mắc phải thường bị nhiễm chồng khi đang mang bệnh và vi khuẩn trong bệnh viện có tính kháng thuốc rất cao hơn gấp nhiều lần so với bị nhiễm vi khuẩn ngoài bệnh viện.

Hậu quả khi bị nhiễm khuẩn bệnh viện thường rất nghiêm trọng. Ngoài việc bệnh nhân bị bệnh nặng hơn, dễ bị tai biến hơn, tốn nhiều thời gian và tiền bạc để chạy chữa hơn thì nguy cơ tử vong cũng cao hơn.

Các bệnh viện Việt Nam đã ghi nhận rất nhiều trường hợp tử vong do nhiễm khuẩn bệnh viện. Nhiều trường hợp người bệnh đã được chữa khỏi bệnh ban đầu nhưng lại chết vì nhiễm khuẩn bệnh viện. Có trường hợp bệnh nhân nhập viện vì xuất huyết não các bác sỹ điều trị đã kiểm soát được nhưng cuối cùng lại quay ra chết vì viêm phổi bệnh viện vì không có kháng sinh Hay như trường hợp sản phụ đi mổ đẻ, bị nhiễm khuẩn bệnh viện dẫn đến hậu sản phải cắt bỏ dạ con…

Những bệnh do nhiễm khuẩn bệnh viện đáng chú ý nhất là viêm phổi nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng đường tiết niệu… Trong đó viêm phổi là bệnh dễ mắc và có tác hại lớn nhất, nếu mắc phải người bệnh sẽ phải kéo dài thêm 10 ngày điều trị, chi phí có thể lên tới 30 triệu đồng và tỉ lệ tử vong là 30%...

Khi ý thức được đổi bằng mạng sống

23846

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cho biết, một trong những yếu tố để hạn chế nhiễm khuẩn bệnh viện là làm tốt công tác vô khuẩn: có dụng cụ vô khuẩn, quy trình phải đúng, đặc biệt là bàn tay y bác sỹ phải được vô khuẩn trước khi thăm khám, chăm sóc người bệnh.

Dụng cụ tại các bệnh viện ở Việt Nam đang được trang bị khá tốt, quy trình vô khuẩn cũng đã có hướng dẫn đầy đủ, điều khó khăn nhất hiện nay là việc nâng cao ý thức tuân thủ thực hành của nhân viên y tế.

Các bệnh viện lớn hiện nay càng quá tải thì ý thức đảm bảo quy trình vô khuẩn của nhân viên y tế cũng càng ít đi. Cùng thời gian 8 tiếng làm việc, một y tá sẽ chăm sóc, phục vụ 10 bệnh nhân chắc chắn sẽ luôn khác với cách người y tá đó chăm sóc, phục vụ 30 bệnh nhân. Vì vậy, việc mọi người kêu than bệnh viện công càng lớn, càng nổi tiếng, càng mất vệ sinh là điều có thật và là điều dễ hiểu.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cũng cho biết thêm, ngoài nhân viên y tế thì đối tượng dễ tạo nguồn nhiễm khuẩn bệnh viện nữa là các sinh viên thực tập. Rửa tay là biện pháp đầu tiên và là yếu tố sống còn trong công tác chống nhiễm khuẩn. Thực hiện biện pháp này tại bệnh viện Bạch Mai, trong khi điều dưỡng của bệnh viện tuân thủ là 80-90% thì ở sinh viên thực tập chỉ là 40-50%. Lý do của tình trạng này là sinh viên chưa hiểu đầy đủ được vai trò của rửa tay để tránh nhiễm khuẩn, những điều này các em chưa được đào tạo trong trường hoặc có thì cũng rất sơ sài.

Nguy hiểm nhưng có thể khống chế

Theo Tổ chức y tế thế giới, tại mọi thời điểm luôn có khoảng 1,4 triệu người bị nhiễm khuẩn bệnh viện. Con số tại Việt Nam theo thống kê của Viện Vệ sinh Công cộng Tp.HCM là 600.000/ 7,5 triệu bệnh nhân nhập viện mỗi năm bị nhiễm khuẩn bệnh viện.

Là một trong những người đã tham gia thực hiện và đào tạo cán bộ cho ngành chống nhiễm khuẩn nhiều năm, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng khẳng định, chúng ta hoàn toàn có thể đẩy lùi, tiến tới loại bỏ nhiễm khuẩn bệnh viện, vấn đề lớn nhất nằm ở con người nên.

Thông tư 18 của Bộ Y tế đã có những quy định về chống nhiễm khuẩn bệnh viện. Như vậy, chống nhiễm khuẩn bệnh viện đã được luật pháp hóa nhưng nguồn nhân lực để thực hiện thì còn thiếu. Không phải bệnh viện nào cũng có đội ngũ cán bộ có thể đào tạo kiến thức về chống nhiễm khuẩn cho nhân viên của bệnh viện mình. Trong khi đó, hiện nay tại Việt Nam mới chỉ có các chương trình đào tạo của các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Chợ Rẫy, Huế.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cho rằng các trường đại học y cũng cần tham gia vào công tác đào tạo này để những thầy thuốc tương lai có thể nắm được tầm quan trọng của việc chống nhiễm khuẩn bệnh viện cũng như là những kỹ năng cần thiết trong quá trình chăm sóc người bệnh.

Đầu tiên, muốn chống nhiễm khuẩn tốt chúng ta phải có bằng chứng. Chúng ta phải xác định được có hay không có khuẩn bệnh viện, và nếu có thì có ở đâu? Những người trong ngành y tế cũng không thể nói rằng bệnh viện chúng tôi không có để chối bỏ trách nhiệm mình cần làm. Và ngành y tế cũng phải xác định rằng, đây là thách thức của ngành y cần phải khắc phục để vượt qua chứ không phải là lỗi lầm để giấu diếm.

Thứ hai là giám sát việc thực hành. Nhiều nơi đã thực hiện đào tạo cán bộ, có trang bị phương tiện đầy đủ nhưng việc thực hiện của nhân viên y tế như thế nào, có tuân thủ hay không?

Thứ ba hậu quả gây ra như thế nào, có đáng để đầu tư? Phải xác định được những con số về những thiệt hại mà nhiễm khuẩn bệnh viện đã gây ra là vô cùng lớn, là vấn đề cấp thiết phải thực hiện để giảm tối đa những thiệt hại này.

Thứ tư là phải kiểm soát được việc sử dụng kháng sinh. Hiện nay tại hầu hết các bệnh viện đều có tình trạng lạm dụng kháng sinh điều này gây tác hại lớn đến công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện. Bởi đặc thù của khuẩn bệnh viện là kháng thuốc nếu chúng ta lạm dụng loại thuốc này, đến khi người bệnh nhiễm khuẩn bệnh viện, khuẩn này đã kháng được hầu hết các loại thuốc thì công tác cứu chữa sẽ rất khó khăn.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật