Cục ATTP nói gì về vụ 'cà phê trộn pin' và 'sản phẩm Vinaca chữa ung thư làm từ bột than tre'?

Sức khỏe người tiêu dùng là trên hết. Do đó, những hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa trong đó có lĩnh vực y tế phải được lên án mạnh mẽ

Tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí chiều ngày 24/4 về việc triển khai công tác hậu kiểm để đảm bảo an toàn thực phẩm theo Nghị định 15 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 2/2 vừa qua), ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã  đưa ra quan điểm của Cục về vụ "cà phê trộn pin" và "sản phẩm Vinaca chữa ung thư làm từ bột than tre".

Về các vụ việc này, ông Nguyễn Thanh Phong cho hay sức khỏe người tiêu dùng là trên hết. “Tôi cho rằng những hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa trong đó có lĩnh vực y tế phải được lên án mạnh mẽ”- Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh.

Về vụ việc sản phẩm Vinaca chữa ung thư làm từ bột than tre nứa vừa bị phát hiện và từng được vinh doanh “Top 10 thương hiệu Việt Nam”, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho rằng sản phẩm Vinaca trên nhãn không ghi là thuốc và cũng không ghi là thực phẩm chức năng nhưng lại có công dụng liên quan điều trị. Tại quy định của Luật Dược đã quy định sản phẩm không phải là thuốc thì không được ghi có tác dụng điều trị các bộ phận trong cơ thể người.

Theo Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong: “Về nguyên tắc, chúng tôi cho rằng phải tuân theo Luật thi đua khen thưởng và phải có sự tham gia của các cơ quan chuyên ngành quản lý lĩnh vực đó. Vừa rồi, một đơn vị trao thưởng chỉ tôn vinh thương hiệu, còn về sản phẩm lại lập luận là không quan tâm đến chất lượng sản phẩm thì việc làm đó là không được. Tôi cho rằng không những quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà còn rất nhiều yếu tố nữa chúng ta cần phải quan tâm, ví dụ như: môi trường, thuế, chính sách bảo hiểm, đời sống của người lao động”.

Trong 2 vụ việc như ở sản phẩm Vinaca chữa ung thư làm từ bột than tre ở Hải Phòng cũng như vụ cà phê trộn pin ở Đắc Nông, hiện nay cơ quan cảnh sát vào điều tra là rất cần thiết và kết quả như thế nào phải công khai để người dân biết.

Cũng trong buổi cung cấp thông tin cho báo chí, Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm cho biết thực hiện công tác hậu kiểm, từ đầu năm đến nay, trong số những cơ sở sản xuất, kinh doanh bị kiểm tra, tỷ lệ cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm là gần 20%.

Theo số liệu tổng hợp, từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng trong cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra gần 159.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm phát hiện hơn 31.000 cơ sở vi phạm, xử phạt với tổng số tiền hơn 19 tỷ đồng. Ngoài xử phạt chính, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động 72 cơ sở; đình chỉ lưu hành 228 loại thực phẩm; 231 cơ sở phải khắc phục về có nhãn mác và 1.590 loại thực phẩm bị tiêu hủy do không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc hết hạn sử dụng....

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật