Dừng tiêm vắc xin làm ảnh hưởng đến miễn dịch của trẻ

Các chuyên gia cho biết, việc tạm dừng tiêm bất cứ loại vắc xin nào cũng không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ (ngoài việc có thể có ảnh hưởng chút ít đến hiệu quả sinh miễn dịch phòng bệnh). Tuy nhiên, phụ huynh cần chú ý lịch tiêm chủng để đưa trẻ đi tiêm đúng thời gian.

Như vậy mới bảo đảm được hiệu quả phòng bệnh tối đa. Hiện nay, vắc xin Quinvaxem theo khuyến cáo của Bộ Y tế đã được sử dụng trở lại. Các phụ huynh hoàn toàn có thể cho trẻ tiếp tục sử dụng loại vắc xin này, hoặc có thể sử dụng các loại vắc xin "5 trong 1" hoặc "6 trong 1" khác đang được phép lưu hành tại Việt Nam.

Nếu vì lý do nào đó các bậc phụ huynh chưa đưa trẻ đi tiêm nhắc lại thì có thể khả năng phòng bệnh của cơ thể bị giảm theo thời gian, trẻ có thể mắc bệnh nếu tiếp xúc với mầm bệnh Vì vậy, cần phải tuân thủ lịch tiêm chủng được khuyến cáo bởi nhà sản xuất vắc xin để đảm bảo trẻ có thể được phòng bệnh khi tiêm chủng.

Theo GS.TS Đỗ Sỹ Hiển, nguyên Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia: Trong lịch tiêm chủng nói chung người ta quy định khoảng cách tối thiểu giữa các mũi tiêm và khi thực hành tiêm chủng thì không được ngắn hơn, sớm hơn khoảng cách tối thiểu đó. Nhưng do phần lớn vắc xin tạo được trí nhớ miễn dịch vì vậy do điều kiện nào đó phải tiêm chậm vài ba tháng thậm chí một năm thì nó vẫn nhắc, làm sống lại trí nhớ miễn dịch đấy và làm cho trẻ tăng kháng thể bảo vệ lên rất tốt.

GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cũng cho biết, việc gián đoạn mũi tiêm vắc xin Quinvaxem trong thời gian 2 tháng không ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch của trẻ khi tiêm các mũi tiếp theo đối với những trẻ đã được tiêm 1 hay 2 mũi trước đó.

GS Hiển dẫn chứng thêm, thực tế là các nước có lịch tiêm khác nhau về khoảng cách giữa các mũi tiêm Bạch hầu - ho gà - Uốn ván là 2-4-6 tháng, hay 3-5-12 tháng chứ không phải là 2-3-4 tháng như lịch của Việt Nam.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, tốt nhất đã dùng lại vắc xin nào thì cố theo đuổi chủng loại vắc xin đấy còn khi muốn thay đổi vắc xin thì phải theo dõi các thành phần của vắc xin đó.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật