Những nguyên nhân nào có thể gây động kinh ở trẻ nhỏ?

Cháu chào Bác sĩ. Cháu tên Bích năm nay cháu 26 tuổi. Bé thứ hai nhà cháu sinh ngày 4/3/2015 được 6 tháng 20 ngày. Hôm 2/9/2015 cháu có hiện tượng giật miệng méo, hai tay nắm chặt khoảng chừng 3-4 giây. Hiện tượng này lặp lại ngày 5/9/2015. Cháu cho con đi khám ở viện Nhi TW Bác sĩ cho điện não và kết luận động kinh và cho thuốc DEPAKINE 200mg/ml về dùng 80ml/lần ngày 2 lần.

Hiện cháu đang rất lo lắng về kết luận của Bác sĩ. Cháu không biết nguyên nhân tại sao bé nhà cháu bị động kinh? Cháu muốn cho con đi khám nhưng không biết khám chỗ nào? Bác sĩ có thể tư vấn giúp cháu ah. Chứ từ hôm biết bé nhà cháu bị như vậy hai vợ chồng cháu không có tâm trí làm việc. Cháu quên mất lúc sinh bé nặng 2, 95 kg. Nước ối vẩn đục. Hai mẹ con cháu sinh ở bệnh viện phụ sản hà nội. Khi mang bầu cháu đi kiểm tra sàng lọc ba tháng đầu ở bệnh viện phụ sản kết quả không vấn đề gì. Sao bây giờ lại vậy ạ! Liệu các Bác sĩ có làm sai xét nghiệm không ạ! (Mẹ Ku Sóc)

Tư vấn từ BS. Nguyễn Thị Hòa - Bệnh viện đa khoa Đống Đa:

Chào bạn!

Có một số nguyên nhân gây bệnh động kinh ở trẻ nhỏ như:

- Đẻ khó: Chuyển dạ đẻ lâu phải can thiệp bằng foócxép, giác hút. Có trẻ khi sinh bị ngạt, nếu kéo dài làm cho một bộ phận não thiếu oxy gây tổn thương, nếu tổn thương đó không hồi phục được thì cũng có thể gây ra bệnh động kinh sau này.

- Bệnh của não và màng não: Một số trẻ bị viêm não hoặc viêm màng não bệnh nặng lại chữa chạy muộn, có thể khỏi nhưng có thể để lại di chứng như một cái “sẹo” ở não hoặc màng não, cái “sẹo” đó cũng có khả năng gây bệnh động kinh sau này.

- Chấn thương ở đầu: Do bị ngã đập đầu vào vật cứng hoặc nền gạch cứng, hoặc trẻ ngủ trên giường ngủ mơ lăn xuống đất đập đầu xuống đất gây chấn thương ở đầu. Những chấn thương đó luôn gây tổn thương cho não và cũng là nguyên nhân hay gặp của bệnh động kinh.

- Bướu não (u não): Một số trẻ khi sinh ra có một hay vài bướu trong não, bướu này ngày càng lớn, và cuối cùng gây nên các cơn động kinh. Trong nhiều trường hợp, khoa học chưa tìm được nguyên nhân của các bướu này.

- Di truyền: Trong gia đình có ông bà cha mẹ... cũng bị động kinh. Tuy nhiên nhiều khi sự di truyền này rất kín đáo, quan sát bên ngoài không thấy được. Nhưng khi làm xét nghiệm “điện não đồ” thì lại thấy người cha hoặc mẹ có dấu hiệu tổn thương ở não giống như bệnh động kinh, nhưng các tổn thương đó chưa nặng nề đến mức gây ra các cơn động kinh.

Động kinh nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì khả năng hoàn toàn khỏi bệnh là rất cao. Tất nhiên không phải có thể chữa khỏi được tất cả các trường hợp động kinh nhưng có thể khẳng định: nếu tuân theo đúng phác đồ điều trị, mọi bệnh nhân đều có thể giảm được cơn co giật

Điều trị bệnh động kinh cũng cần phải kiên trì. Sau khi điều trị hết cơn co giật bệnh nhân phải tiếp tục điều trị ngoại trú uống thuốc trong 2-3 năm có thể khỏi bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên, khoảng 2-3% bệnh nhân bị bệnh động kinh sau một thời gian khỏi bệnh bị lên cơn co giật lại. Trong trường hợp này, cũng không nên lo lắng vì khả năng khỏi bệnh trở lại của người bệnh cũng nhanh chóng hơn.

Điều quan trọng nhất đối với người bị bệnh động kinhtình yêu thương, sự quan tâm của gia đình, người thân, sự thông cảm của bạn bè và những người xung quanh... để không cảm thấy mặc cảm, thấy mình khác biệt với mọi người.

Bệnh động kinh có thể chữa khỏi hoàn toàn, nghĩa là sau một thời gian dài chữa trị, bệnh thuyên giảm dần và hoàn toàn các cơn mà không cần dùng thuốc nữa. Điều chủ yếu và quan trọng là bệnh nhân và gia đình bệnh nhân cần hết sức kiên nhẫn. Trong việc chữa trị bệnh động kinh, sự hợp tác giữa gia đình và thầy thuốc là vô cùng cần thiết.

Gia đình bạn cần tuân thủ chế độ điều trị của bác sỹ bệnh viện nhi TW và cho trẻ tái khám định kỳ, không nên vì lo lắng mà tự ý dùng nững loại thuốc theo mách bảo có thể gây những biến chứng nguy hiểm cho trẻ.

Chúc gia đình sống khỏe và mọi điều tốt đẹp sẽ đến với con!

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật