Mách nhỏ 7 lời khuyên cho cha mẹ gặp khó khi dạy con

Nuôi dạy con nên người là cả một quá trình vất vả, đòi hỏi nhiều tâm huyết của mỗi bậc cha mẹ.

1. Gần gũi để hiểu con nhiều hơn

Công việc bận rộn khiến nhiều bậc cha mẹ bất đắc dĩ phải giao việc chăm sóc con cái cho các bảo mẫu hay giáo viên mầm non, thế nhưng đừng ỷ lại hoàn toàn vào họ. Cha mẹ cần thường xuyên trao đổi với họ để nắm bắt tình hình của con cái, chẳng hạn như bé thích ăn món gì nhất, gần đây bé hứng thú với việc gì, có thói quen gì mới không.

Bạn cũng nên dành thời gian chơi đùa với con vào buổi tối và ngày nghỉ. Một số cha mẹ đem con giao phó hoàn toàn cho bảo mẫu, giáo viên, để rồi ngã ngửa khi phát hiện bé yêu bỗng có những tật xấu mà mình không hay biết. ‘Mọi vấn đề đều cần được hiểu rõ trước khi giải quyết’, vì thế nếu cha mẹ muốn dạy con ngoan thì trước hết hãy gần gũi với bé hơn.

2. Cập nhật kiến thức về giáo dục con trẻ

Xã hội phát triển, môi trường sống của con người cũng thay đổi, vì vậy có những phương pháp giáo dục truyền thống từ thời ông bà, cha mẹ chúng ta, đến nay đã không còn phù hợp nữa. May mắn thay, internet có thể giúp bạn tìm hiểu và học hỏi những kiến thức mới từ các chuyên gia ở khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, hãy tiếp thu có chọn lọc, vì con người ở mỗi quốc gia, mỗi vùng miền có những đặc điểm khác nhau, không phải phương pháp nào cũng có thể áp dụng chung được.

Cha mẹ nên cập nhật kiến thức dạy con để dùng trong nhiều trường hợp

Cha mẹ nên cập nhật kiến thức dạy con để dùng trong nhiều trường hợp

3. Kiên nhẫn lắng nghe các bé

Ai trong chúng ta cũng có nhu cầu được lắng nghe và trẻ em cũng không phải ngoại lệ. Đừng vội cho rằng trẻ em vô lo, vô nghĩ, các bé cũng có những băn khoăn của riêng mình, dù đôi lúc thật ngô nghê nhưng vẫn cần được cha mẹ quan tâm. Hãy tự dặn mình kiên nhẫn hơn để lắng nghe con trẻ, giúp bé giải đáp những thắc mắc. Có như vậy mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái mới càng trở nên gần gũi, việc dạy con từ đó cũng dễ dàng hơn.

4. Hãy làm bạn với con

Đã qua rồi cái thời cha mẹ lấy quyền uy của người lớn để bắt buộc con làm theo ý mình. Làm bạn với con, tôn trọng con mới là cách tốt nhất để giáo dục con cái.

Đừng dùng những lời như mệnh lệnh để sai bảo bé, cũng không nên  nói ‘không’ với con quá nhiều. Hãy cho trẻ những sự lựa chọn, quyền phát biểu ý kiến và đôi lúc để bé tự mình quyết định. Dần dần bạn cũng nên để con tự giải quyết những vấn đề của bản thân. Cha mẹ nên là người dẫn đường nhưng đồng thời cũng là người bạn đồng hành của bé yêu!

5. Nới lỏng vòng tay

Điều này có nghĩa là bạn cần cho con cơ hội được trải nghiệm. Bản tính của trẻ em là hiếu kì và năng động. Hãy khích lệ bé dùng sự hiếu kì và năng động đó để khám phá thế giới xung quanh, học hỏi nhiều điều từ thiên nhiên và những người bạn mới. Đừng vì quá lo lắng về vấn đề an toàn mà tước đi quyền tự do của trẻ. Bạn vẫn có thể bảo vệ bé yêu từ xa, thậm chí hãy nhân cơ hội này để trang bị cho bé những kĩ năng sống tự lập và cách xử trí khi gặp nguy hiểm.

6. Giảm bớt kì vọng nơi con

Nhiều ông bố bà mẹ theo chủ nghĩa hoàn hảo và đặt quá nhiều kì vọng lên con cái. Năng lực của trẻ em và người lớn khác nhau, vì thế đừng đặt ra mục tiêu quá xa và yêu cầu quá cao ở các bé vẫn còn tuổi ăn tuổi chơi, nếu không bạn sẽ tạo ra một áp lực vô hình lên con trẻ. Người lớn còn có lúc làm hỏng việc thì cớ gì bạn lại yêu cầu con lúc nào cũng phải đạt điểm 9, điểm 10? Điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của bé, khiến bé luôn mệt mỏi thậm chí tự ti về bản thân.

7. Hãy thành thật với bé

Sự thành thật luôn là yếu tố quan trọng trong mọi mối quan hệ, thậm chí nó càng trở nên cần thiết hơn giữa các thành viên trong gia đình Hãy cố gắng nói thật với bé nhiều nhất có thể, lấy mình làm gương để bé hình thành thói quen tốt trở thành người trung thực, ngay thẳng. Muốn làm được điều đó, bạn cần chú ý từ những điều nhỏ nhặt nhất. Ví dụ khi cho bé uống thuốc thay vì nói dối rằng ‘thuốc không đắng đâu con’ thì hãy nói thật rằng ‘thuốc đắng, nhưng uống xong, ăn kẹo sẽ lại ngọt ngay’. Đương nhiên, những lời nói dối vô hại như ‘trò đùa cá tháng 4’ hoặc trong những trường hợp đặc biệt mà nói thật sẽ làm trẻ bị kích động thì có thể xếp vào ngoại lệ.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật