Món ăn, nước uống cho trẻ bị đái dầm được khỏe mạnh

Ðái dầm là trạng thái ban đêm ngủ, tiểu không tự chủ, thường gặp ở trẻ nhỏ, người lớn đôi khi cũng mắc. Trẻ trên 4 tuổi vẫn đái dầm thì cần chữa trị. Trường hợp nhẹ vài ngày 1 lần, trường hợp nặng đêm nào cũng đái dầm vài lần.

Y học cổ truyền gọi bệnh đái dầm là di niệu, dạ niệu… Nguyên nhân là do khí hóa của thận và tam tiêu suy yếu, hạ nguyên không vững chắc, co bóp của bàng quang rối loạn. Sau đây là một số món ăn dành cho trẻ bị đái dầm theo từng thể bệnh, các bậc cha mẹ có thể tham khảo áp dụng.

Cháo long nhãn: long nhãn 20g, gạo 50g, đường phèn 10g. Gạo xay thành bột hoặc xay hạt nhỏ, cho vào nồi đổ nước vừa đủ nấu thành cháo. Khi cháo chín cho long nhãn thái nhỏ, đường phèn vào quấy đều, cháo sôi lại là được. Cho trẻ ăn vào buổi sáng lúc đói, ngày ăn 1 lần. Cần ăn liên tục 7 - 10 ngày.

Cháo quả vải:

vải 15 quả, gạo 50g, cật lợn 100g, gia vị vừa đủ. Gạo xay thành bột, cật lợn làm sạch, thái thật mỏng, ướp gia vị xào chín. Quả vải bóc lấy cùi thái nhỏ. Cho bột gạo vào nồi, đổ nước vừa đủ, quấy đều đun trên lửa nhỏ, khi chín cho cật lợn và cùi vải vào quấy đều, cháo sôi lại là được. Cho trẻ ăn ngày 1 lần vào buổi sáng lúc đói. Cần ăn liền 5 - 7 ngày.

Cháo tôm: tôm tươi 150g rau hẹ tươi 100g, gạo 50g gia vị vừa đủ. Gạo xay thành bột, tôm rửa sạch, bỏ vỏ nhúng nước sôi, thái nhỏ ướp gia vị xào chín. Rau hẹ rửa sạch thái nhỏ. Vỏ, càng tôm giã nhỏ lọc lấy nước ngọt Cho bột gạo vào nước tôm quấy đều đun trên lửa nhỏ, cháo chín cho thịt tôm, rau hẹ vào đảo đều, cháo sôi lại một lúc là được. Cho trẻ ăn ngày 1 lần vào buổi sáng lúc đói. Cần ăn liền 7 - 10 ngày.

Cháo thịt dê:

thịt dê 10g, gạo 50g, hạt sen 20g, bột gia vị vừa đủ. Thịt dê rửa sạch thái mỏng ướp gia vị xào chín tới. Gạo, hạt sen xay thành bột mịn cho vào nồi thêm nước vừa đủ, quấy đều đun trên lửa nhỏ. Khi chín cho thịt dê vào đảo đều, cháo sôi lại là được. Cho trẻ ăn ngày 1 lần vào buổi sáng lúc đói. Cần ăn liền 7 - 10 ngày.

Nước tang phiêu tiêu

(tổ bọ ngựa ở cây dâu): tang phiêu tiêu 10 tổ, sấy khô, nghiền thành bột mịn. Mỗi lần lấy 1 thìa cà phê bột tang phiêu tiêu, 1 thìa cà phê đường, cho vào cốc thêm 50ml nước lọc, quấy đều, đường tan hết cho trẻ uống ngày 2 lần lúc đói. Cần uống liền 3 ngày.

Cháo cật lợn: cật lợn 1 quả, kỷ tử 15g, rượu 1 thìa canh, gạo 50g, dầu thực vật, bột ngọt, gia vị vừa đủ. Cật lợn làm sạch thái mỏng, ướp bột ngọt, gia vị xào chín bằng dầu thực vật. Gạo xay thành bột cho vào nồi đổ nước vừa đủ, quấy đều đun trên lửa nhỏ cho cháo chín, rồi cho cật lợn, kỷ tử vào đảo đều, cháo sôi lại một lúc là được. Cho trẻ ăn ngày 1 lần lúc đói. Cần ăn liền 5 ngày.

Cháo củ mài: củ mài 100g, kỷ tử 10g, đường trắng 20g. Củ mài bỏ vỏ rửa sạch cắt miếng cùng với kỷ tử cho vào nồi, đổ nước vừa đủ, ninh nhừ, dùng đũa đánh tơi, cho đường vào quấy đều, cháo sôi lại là được. Cho trẻ ăn ngày 1 lần lúc đói. Cần ăn liền 5 ngày.

Nước hạt trắc bách diệp: hạt trắc bách diệp phơi khô 50g tán thành bột mịn. Mỗi lần uống 5g với nước cơm đặc. Ngày uống 2 lần lúc đói. Cần uống liền 5 ngày.

Trẻ bị đái dầm thường cảm thấy xấu hổ với bạn bè căng thẳng hay cáu gắt nên cha mẹ và người thân cần chăm sóc, động viên trẻ. Nên đánh thức trẻ dậy tự đi tiểu vào một giờ nhất định. Tạo thói quen cho trẻ đi tiểu trước khi ngủ. Không nên cho trẻ uống nhiều nước lọc, nước quả hoặc sữa trước khi ngủ.

Nếu thấy trẻ kêu đau hoặc bỏng rát khi đi tiểu, số lần đi trong ngày tăng lên, trẻ thèm ăn hoặc uống nước nhiều hơn, sưng mắt cá chân hoặc bắp chân đái dầm tiếp diễn sau khi trẻ đã quá 7 tuổi có thể do tổn thương ở cơ quan thận - tiết niệu, cần cho trẻ đến bệnh viện để khám và điều trị. 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật