Cách dựng cây nêu "đúng chuẩn" để tảo trừ ma quỷ, đón năm mới an lành
“Bảo bối” chống lại “ác quỷ”
Ý nghĩa ban đầu của cây nêu được giải thích thông qua truyện cổ tích “Cây nêu ngày Tết”. Theo đó, cây nêu được dựng với mục đích ngăn không cho quỷ từ biển Đông vào đất liền và bén mảng đến nơi người cư ngụ. Cây nêu trở thành biểu tượng của sự đấu tranh giữa cái thiện và ác, giữa thiên thần và quỷ dữ, nhằm bảo vệ cuộc sống bình yên cho con người. Ngày Tết thần linh về trời, con người cần có những “bảo bối” của “thần” nhằm đề phòng cảnh giác, chống lại sự xâm nhập của ác quỷ.
Trong truyện cổ tích “Cây nêu ngày Tết” còn chứa đựng một triết lý đạo Phật cao thượng mà Đức Phật đã khuyên dạy loài người. Đó là lòng từ bi, lấy ân trả oán. Hay nói cụ thể hơn là lòng khoan dung, độ lượng. Một khi đối phương đã thất bại, biết đầu hàng thì hãy mở cho họ một con đường sống, hãy khoan thứ cho họ và đừng dồn họ vào bước đường cùng. Có như thế thì cuộc sống mới không có ân oán chồng chất, con người luôn biết yêu thương, tha thứ mọi lỗi lầm cho nhau.
Tuy nhiên theo thời gian, theo địa phương, theo dân tộc và tập quán của từng cộng đồng, ý nghĩa của việc trồng cây nêu ngày Tết đã trải rộng hơn. Nói về cây nêu, GS Ngô Đức Thịnh (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam) cho biết: “Cây nêu hay còn gọi là cây vũ trụ, biểu tượng cho con đường thông thương giữa trời và đất. Thể hiện ước mong, tâm nguyện của con người với thiên nhiên.
Liên quan đến sự tích con người giữ đất trước quỷ, đó là truyện “Cây nêu ngày Tết”. Con người trồng cây nêu nhằm đánh dấu vị trí sinh tồn của mình, chống lại con quỷ từ biển Đông. Vì vậy, dưới chân cây nêu thường vẽ một vòng tròn hình cây cung có mũi tên hướng ra biển Đông. Dựng nêu ngày Tết bao gồm trong nó cả các dụng ý để trừ ma, quỷ, thờ phụng thần linh và vong hồn tổ tiên, tảo trừ những điều xấu xa của năm cũ”.
Cây nêu chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Cây nêu được biểu hiện dưới nhiều hình thức và tùy vào tín ngưỡng riêng của từng dân tộc mà có cách biểu hiện khác nhau. “Tại miền Bắc Việt Nam, cây nêu thường được người Kinh dựng vào ngày 23 tháng Chạp Âm lịch, là ngày Táo quân về trời, với quan niệm rằng chính từ ngày này cho tới đêm giao thừa vắng mặt Táo công, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu. Ngày dựng cây nêu gọi là lên nêu và ngày 7 tháng Giêng Âm lịch, ngày làm lễ dỡ cây nêu xuống, gọi là ngày hạ nêu. Khi dựng nêu và hạ nêu đều làm lễ cúng cẩn thận”, GS Thịnh cho biết.
Một điều quan trọng nữa là thời điểm cuối năm là lúc nông nhàn, chuẩn bị bước vào các hoạt động vui chơi. Ngay khi cây nêu được dựng lên, tất cả mọi hoạt động khác đều dừng lại. Nó tạo nên thế cân bằng tuyệt đối trong sự vận hành thay đổi giữa năm cũ và năm mới. Con người yên tâm vui chơi, cả cộng đồng sinh hoạt vui vẻ, quên đi những vất vả, nhọc nhằn của năm cũ.
Còn cây nêu của người dân tộc thiểu số được dựng lên để cáo tế thần linh dự lễ hội đâm trâu, cầu mong mùa màng tươi tốt. Đối với dân tộc Mường, họ trồng cây nêu vào ngày 28 tháng Chạp âm lịch. Người Mường trồng nhiều loại cây nêu. Ngoài nêu chính (nêu lớn) được trồng ở giữa sân nhà còn có nhiều cây nêu khác nhỏ hơn, được cắm ở bếp, ngoài vườn, chuồng trâu, chuồng lợn, chuồng gà, độn thóc. Trên cây nêu, người Mường không treo khánh nhà Phật như người Kinh mà treo nhiều công cụ sản xuất như cày, bừa, cuốc… đan bằng tre nứa.
Trong khi đó, cây nêu của người Mông vùng Tây Bắc Việt Nam được dựng trong lễ hội Gầu tào (cầu phúc hoặc cầu mệnh) tổ chức từ ngày 3 đến ngày 5 tháng Giêng âm lịch. Còn đối với cộng đồng người dân tộc Sán Dìu, cây nêu được dựng trong lễ cầu mùa. Như vậy, mỗi dân tộc đều có cây nêu với ý nghĩa gần giống nhau, chỉ là hình thức, cách thờ cúng và ý nghĩa khác nhau. “Cây ném trong hội lồng tồng, cây pồn pông của người Mường, cây đâm trâu của người dân tộc ở Tây Nguyên đều là những hình thức biểu hiện của cây nêu, hay còn gọi là cây vũ trụ”, GS Thịnh cho biết.
Đang được phục hồi
Cây nêu của người Kinh thường sử dụng một số loại cây họ tre như tre, bương, lồ ô, có độ cao khoảng 5-6 mét, tỉa sạch các nhánh và lá tre. Người ta chọn tre bởi lẽ từ xa xưa, sự dẻo dai và vững chãi của tre đã được ví như sức sống của dân tộc Việt Nam. Trước hết, cây tre là biểu trưng cho tính chất, bản sắc riêng của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Tre là thể hiện cương nhu phối triển. Tre có thể uốn cong trước gió. Gió bão cực mạnh cũng không làm tre đổ hay bật rễ. Cây tre cũng có thể chẻ mỏng để làm các vật dụng đồng thời có thể dùng để làm khiêng, chống đỡ nhà cửa... Trồng tre vào đầu năm mới để khẳng định tinh thần Việt Nam và trồng tre trước cửa nhà trong bảy ngày đầu năm còn là đánh dấu những ngày vui, hạnh phúc nhất trong năm, những may mắn mới với ước mong nhiều đổi mới hơn, nhiều thành đạt hơn.
Tùy từng địa phương, trên ngọn nêu có buộc nhiều thứ khác nhau. Thường là túi nhỏ đựng trầu cau và ống sáo, những miếng kim loại lớn nhỏ, vàng mã, bùa trừ tà, cành xương rồng, bầu rượu bện bằng rơm, dải cờ vải điều màu đỏ. Đôi lúc, người dân còn treo lủng lẳng những chiếc khánh nhỏ bằng đất nung, mỗi khi gió thổi, những khánh đất va chạm nhau tạo thàn tiếng kêu leng keng nghe rất vui tai. GS Thịnh lý giải: “Người ta tin rằng những vật treo ở cây nêu, cộng thêm những tiếng động của những khánh đất là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu”.
Ngoài ra, người ta còn treo đèn lồng vào buổi tối trên cây nêu với ý nghĩa để soi đường cho hương linh ông bà, tổ tiên thấy đường về nhà đón Tết cùng với con cháu. Đây quả là một việc làm rất có ý nghĩa, thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, lòng biết ơn sâu sắc đối với những đấng sinh thành. “Đây cũng là một phương cách để giáo dục con cháu trong gia đình luôn biết nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà mà sống sao cho đúng với trách nhiệm, bổn phận con cháu. Bởi lẽ bao đời nay, con cháu về cúng giỗ, lễ lạy bàn thờ gia tiên là một việc quan trọng trong truyền thống hiếu đạo của người dân Việt”, GS Thịnh cho biết.
Đặc biệt, cây nêu còn được coi là cây vũ trụ - nối liền Đất với Trời. Tán tròn bằng giấy đỏ tượng trưng cho Mặt Trời và ngọn nêu là nơi chim thần (sứ giả của Mặt Trời) đậu. Cuối năm trồng cây nêu để đầu năm ngọn nêu vươn lên cao đón ánh nắng xuân, sức sống xuân, để cầu cho mọi người mãi mãi một mùa xuân…Cây nêu của dân tộc Việt Nam còn mang triết lý âm dương, được biết qua hai chữ Càn (Trời) và Khôn (Đất) nằm trong hình ảnh cái nón và cây gậy của Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Nó bao hàm sự thống nhất và tương trợ giữa Âm và Dương hay sự không tách rời giữa Động và Tĩnh…
Tuy mang nhiều ý nghĩa văn hóa, nhân văn nhưng tục dựng cây nêu ngày Tết của người Việt đang dần bị mai một. Chia sẻ về vấn đề này, GS Ngô Đức Thịnh cũng tỏ rõ sự trăn trở. Ông bày tỏ mong muốn những nét văn hóa cổ truyền sẽ được lưu truyền mãi đến những thế hệ sau. “Có một thời gian, phong tục trồng cây nêu ngày Tết ở nhiều nơi bị mai một, chỉ còn bắt gặp tại các chùa, đình, một số vùng quê.
Tuy nhiên những năm gần đây, các truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc đang dần được phục hồi, cây nêu cũng được dựng lên tại các chùa, khu du lịch các trung tâm văn hóa … Tôi thấy ở nhiều nơi, cây nêu còn kiêm luôn vai trò cột cờ, treo cờ ngày Tết. Điều đó thể hiện những giá trị truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam mãi mãi không bao giờ mất”, GS Thịnh cho biết.
Nhầm lẫn giữa trồng nêu và dựng mía bên bàn thờ
Hiện nay, nhiều người thường mua hai cây mía dựng bên ban thờ tổ tiên thay vì trồng cây nêu. Nhiều người còn nhầm lẫn ý nghĩa của cây mía và cây nêu giống nhau. Về điều này, GS Ngô Đức Thịnh cho biết: “Hai cây mía dựng hai bên ban thờ tổ tiên được coi là gậy để các cụ tổ tiên về chống. Bởi vậy, nó còn được gọi là gậy ông vải. Có người đi chơi đêm giao thừa về cũng mua một cây mía dựng cạnh ban thờ để thay cho cành lộc. Tuy nhiên ý nghĩa của cây mía và câu nêu là hoàn toàn khác nhau”.
- Tháng "cô hồn" có nên lau dọn bàn thờ hay không? (Thứ tư, 11:20:00 20/02/2019)
- Có nên để chân hương quá đầy trên bát hương hay không? (Thứ Hai, 16:15:01 18/02/2019)
- Thắp hương mấy nén trên ban thờ là đủ và đúng? (Thứ Hai, 15:10:04 18/02/2019)
- Các phong tục đón Tết ấn tượng tại một số quốc gia Châu Á (Thứ tư, 14:50:04 06/02/2019)
- Khám phá những nét riêng của Tết Việt trong mắt thế giới (Thứ tư, 14:20:06 06/02/2019)
- Những điều cơ bản cần tránh khi đi chùa ngày Tết nên ghi nhớ (Thứ tư, 13:51:07 06/02/2019)
- Những điều đáng mong chờ nhất trong dịp Tết cổ truyền (Thứ Ba, 16:30:04 05/02/2019)
- Tìm hiểu phong tục khai bút đầu xuân độc đáo của người... (Thứ Ba, 14:14:05 05/02/2019)
- Ngày xưa các cụ kiêng kỵ thế nào dịp Tết, bạn có biết... (Thứ Ba, 13:58:01 05/02/2019)
- Ý nghĩa của "Mồng 1 Tết Cha, mồng 2 Tết Mẹ, mồng 3 Tết... (Thứ Ba, 10:49:03 05/02/2019)
-
Đồ Chơi Pop it bóp bóp Bấm Nút Bóp Bóng - Pop It
Thứ tư, 20:15:05 15/02/2023
-
Đồ chơi bộ hộp sét 6 món ô tô máy bay chạy cót xịn xò
Thứ Hai, 18:18:02 13/02/2023
-
Máy gắp thú bông cho bé cỡ lớn BBT GLOBAL
Chủ nhật, 15:54:01 12/02/2023