Phương pháp mới trị khuyết hổng do bỏng nhất định phải biết

Tổn thương bàn tay, bàn chân khi bị bỏng điện rất dễ dẫn đến phải cắt cụt chi vì hoại tử sâu do phá hủy của dòng điện. Các bác sĩ chuyên ngành bỏng đã nỗ lực trong nhiều năm để tìm kiếm phương pháp đơn giản, tiện lợi và hiệu quả nhất để bảo tồn và phục hồi chức năng được chi thể cho người bệnh.

Rất nhiều phương pháp đã được thực hiện như ghép da vạt bụng, sử dụng vạt quay, vạt trụ, vạt liên cốt điều trị cho người bệnh. Và mới đây nhất là phương pháp sử dụng vạt cân mỡ (adipofascial flap) cẳng tay che phủ khuyết hổng với tổn thương gân cơ vùng trước cổ tay.

Một trường hợp điển hình

Trong khi lao động, anh Nguyễn Tấn Đ., Công ty điện lực Hòa Bình vô ý chạm vào đường điện cao thế gây bỏng nặng phần tay trái. Tổn thương sâu ở cổ tay tới phần gân cơ khiến anh Đ. có nguy cơ bị cắt cụt bàn tay rất lớn. Điều này làm cho gia đình và bản thân anh lo lắng. Nhưng những thầy thuốc ở Viện Bỏng Quốc gia đã giúp anh trở về cuộc sống bình thường với các chức năng đầy đủ của bàn tay trái. Sau 6 tháng điều trị bằng phương pháp sử dụng vạt cân mỡ che phủ tổn thương hổng cổ tay, bàn tay anh đã “hồi sinh”, có thể duỗi, nắm, cầm bút bình thường.

Sử dụng vạt cân mỡ cẳng tay che phủ khuyết hổng do bỏng.

Sử dụng vạt cân mỡ cẳng tay che phủ khuyết hổng do bỏng.

Ý kiến chuyên gia

Theo thống kê của Viện Bỏng Quốc gia, chỉ tính riêng trong năm 2008 đã có hơn 400 trường hợp bỏng điện cao thế và hạ thế nhập viện. Đây là số bệnh nhân bỏng điện trong năm lớn nhất từ trước đến nay, trong đó số bệnh nhân có nguy cơ bị cắt cụt chi lớn do bỏng sâu, tổn thương gân, xương gây hoại tử

TS. Đỗ Lương Tuấn - Trưởng khoa bỏng người lớn cho biết: Bỏng điện cao thế gây ra thường do sự vô ý của con người nhưng rất nguy hiểm, cẳng bàn tay là nơi hay gặp hơn cả. Có đến 18 - 44% số bệnh nhân này đã phải cắt cụt chi. Những trường hợp may mắn có thể được điều trị bằng một số biện pháp khác nhau tùy thuộc vào vị trí và mức độ tổn thương. Đối với các tổn thương sâu vùng cổ tay, các bác sĩ có thể sử dụng ghép da vạt bụng để làm lành vết thương Phương pháp này đòi hỏi bệnh nhân phải cố định bàn tay khoảng 3 tuần, bệnh nhân thường cảm thấy rất khó chịu và gò bó do bàn tay không cử động được.

Ngoài ra, các phương pháp sử dụng vạt quay, vạt trụ hay vạt liên cốt cũng đã được áp dụng nhằm bảo tồn bàn tay nhưng kết quả điều trị chưa như mong muốn. Bởi nếu hy sinh vạt động mạch quay khi lấy vạt cẳng tay quay thì bàn tay sẽ hạn chế chức năng vận động, không cử động bình thường được. Nếu hy sinh động mạch trụ hay liên cốt thì chức năng cầm, nắm của bàn tay cũng bị hạn chế.

Đối với các trường hợp bỏng sâu, lộ gân, xương ở cẳng tay cũng không thể ghép da được mặc dù đây là một phương pháp điều trị rất hiệu quả cho những người bệnh bỏng diện rộng. Nguyên nhân do ghép da đòi hỏi một lớp nền tốt, có thể nuôi dưỡng được mảnh da ghép. Nhưng với tổn thương lộ gân, xương thì không có lớp nền để nuôi dưỡng do đây là những bộ phận sống được nhờ dinh dưỡng thẩm thấu từ nền ghép.

TS. Đỗ Lương Tuấn cũng cho biết: Các tổn thương ở bàn tay, ngón tay, cổ tay là những thách thức đối với phẫu thuật tạo hình trên thế giới nói chung do đây là những vị trí “hiểm hóc” trên cơ thể, phần mềm ít, chủ yếu là gân, xương và sụn, các thành phần này khi bị tổn thương hay lộ ra sẽ có nguy cơ bị hoại tử, chính vì vậy cần phải che phủ sớm bằng các vạt tổ chức có nguồn nuôi.

Lần đầu tiên tại Việt Nam, Viện Bỏng Quốc gia đã nghiên cứu các nhánh xuyên của động mạch quay để thiết kế vạt cân mỡ che phủ cho vùng cổ tay mà không phải lấy đi động mạch quay đã sử dụng. Vạt cân mỡ để điều trị cho nhiều bệnh nhân khuyết hổng phần mềm, lộ gân xương cẳng tay đạt hiệu quả cao, trường hợp của anh Đ. (là một trong số hơn 70 trường hợp) nêu trên là một ví dụ.

Ưu điểm của phương pháp này là không có biến chứng, thời gian điều trị ngắn, khả năng phục hồi cao. Với phương pháp này, các bác sĩ phải xác định vị trí nhánh xiên bằng siêu âm doppler, sau đó bóc tách và lật ngược, đưa nó xuống vị trí tổn thương ở cẳng tay. Vạt cân mỡ sẽ tự cấp máu và nuôi dưỡng lớp gân, xương bên dưới bằng thẩm thấu. Các bác sĩ sẽ khâu phục hồi vị trí phẫu thuật lấy vạt nhánh xiên và thực hiện ghép da mảnh mỏng lên vị trí vừa đặt vạt cân. Sau 7 - 10 ngày, người bệnh có thể tập vận động phục hồi chức năng bàn tay. Chi phí điều trị sử dụng vạt cân mỡ cho một bệnh nhân không cao hơn so với các phương pháp khác đang được thực hiện tại Viện Bỏng cũng như các bệnh viện khác.

Triển vọng của vạt cân mỡ

Đây là nghiên cứu cơ bản đầu tiên về các nhánh xiên của động mạch quay và thiết kế ứng dụng một dạng vạt, là cơ sở để sau này sẽ có các dạng vạt được thiết kế dựa trên các nhánh xuyên khác nhau của động mạch quay để che phủ các vùng khác nhau ở khuỷu - bàn tay mà không phải lấy đi các mạch chính của bàn tay như trước đây.

Hiện nay, vạt cân mỡ không chỉ được ứng dụng trong điều trị các tổn thương do bỏng điện mà còn được điều trị cho các vết thương do các tai nạn khác. Vạt cân mỡ được coi là một phương pháp mới, hiệu quả trong điều trị khuyết hổng phần mềm, lộ gân xương, đặc biệt là ở bàn tay, cổ tay không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Với những ưu điểm của phương pháp này, Viện Bỏng Quốc gia đang thực hiện chuyển giao công nghệ cho một số bệnh viện khác trên địa bàn Hà Nội

 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật