Bài thuốc chữa chảy máu cam do nóng nhiệt với cây lười ươi

Theo y học cổ truyền, hạt lười ươi có vị ngọt, nhạt, tính hàn; có tác dụng thanh phế nhiệt, lợi yết hầu, thanh trường thông tiện.

Cây lười ươi còn gọi là đười ươi, ươi, bàng đại hải, đại hải tử, đại hải, an nam tử, đại đồng quả, đại phát… Là loại cây to, cao 30 - 40m, đường kính thân 0,8 - 1m. Lá đơn, nguyên hay xẻ thùy, mặt trên màu lục, mặt dưới nâu hay ánh bạc, cuống dài.

Hoa lười ươi nhỏ, không cuống, mỗi hoa có 1 - 2 quả đại, dạng lá, hình trứng hay giống như đèn treo ở phía rộng nhất của phía dưới quả. Màu đỏ hay đỏ nhạt, mặt dưới ánh bạc, với 4 - 5 gân nổi rõ.

Thịt quả gồm 3 lớp, lớp ngoài mỏng, lớp giữa dày gồm những tế bào hợp thành chuỗi chứa chất nhầy, lớp trong nhẵn có màu trắng nhạt. Khi chín quả đại tách ra, hạt còn lại thường nhầm là quả, có hai cánh, thực tế chỉ là hai thùy dạng lá của quả đại.

Cây lười ươi thấy nhiều ở vùng Bình Định, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam... Vào tháng 4 - 5, người ta thu hoạch hạt, phơi hay sấy khô, hạt hình trứng dài 2,5 - 3,5cm, màu nâu đỏ nhạt, trên mặt nhăn nheo nổi trên nước, nhưng khi ngâm với nước thì sau một thời gian nở rất to, gấp 8 - 10 lần thể tích của hạt, thành một chất nhầy màu nâu nhạt, trong, vị hơi chát, mát, do đó người ta còn gọi là “hạt nở”.

Theo y học cổ truyền, hạt lười ươi có vị ngọt, nhạt, tính hàn; có tác dụng thanh phế nhiệt, lợi yết hầu, thanh trường thông tiện. Công dụng chữa các bệnh nhiệt, nóng chưng sốt âm ho khan đau họng nhức răng đau mắt đỏ, lao thương thổ huyết, đại tiện ra máu, máu nóng mụn lở.

Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của cố GS.TS. Đỗ Tất Lợi có ghi công dụng và liều dùng của hạt lười ươi như sau: Theo tài liệu cổ (kỷ ghi trong Bản Thảo Thập Di của Triệu Học Mẫn - thế kỷ 18) lười ươi có vị ngọt, có tác dụng thanh nhiệt, lợi cổ họng giải độc, thường dùng chữa ho khan, cổ họng sưng đau nôn ra máu chảy máu cam

Theo kinh nghiệm dân gian hạt lười ươi là một loại thuốc bổ mát, thêm tân dịch có thể dùng nhiều hay dùng luôn, không hại. Tại nhiều địa phương bà con thường dùng gốc cuống lá và vỏ trong của hạt, ngâm nước cho chất nhày rất nhiều nên hạt thường được ngâm nước cho đường vào làm thạch để giải khát. Lá non nấu canh ăn được.

Một số bài thuốc theo kinh nghiệm:

Công dụng chủ yếu của vị lười ươi là mát và nhuận: Chỉ cần 4-5 hạt vào 1 lít nước là đủ có một thứ nước sền sệt như thạch, thêm đường vào mà uống trong trường hợp ho khan không đờm cổ họng sưng đau viêm đường tiết niệu Ngày dùng 2 đến 5 hạt, cho vào cốc nước nóng, chờ một lúc cho hạt nở ra, thêm đường vào cho đủ ngọt chia nhiều lần uống trong ngày.

Để giải khát và trừ các bệnh nhiệt mùa nóng: Thường ngày có thể dùng vài ba hạt lười ươi cho vào cốc nước nóng ngâm một lúc cho hạt nở ra rồi thêm đường vào cho đủ ngọt uống. Ngoài ra có thể dùng chung với hạt é.

Trị ho không long đờm, khàn tiếng: 2 hạt lười ươi, ngâm với nước sôi, uống thay nước trà hàng ngày (ho có đờm thì không được dùng).

Chữa chảy máu cam do nóng nhiệt: Lấy 5 hạt lười ươi sao vàng, nấu lấy nước uống thay trà trong ngày.

Chữa táo bón do nhiệt: Lấy 5 hạt lười ươi, ngâm vào nước sôi uống vào sáng sớm lúc đói.

Lưu ý, không ăn hạt lười ươi khô chưa ngâm nước, vì ăn xong uống nước nó nở ra sẽ làm cứng bụng khó thở

Tuy nhiên, những năm qua, nhất là thời gian gần đây thay vì nhặt hạt lười ươi đã chín rụng xuống gốc thì nhiều người đã khai thác tận diệt như chặt, đốn cây… Việc làm này cần được các cán bộ địa phương tuyên truyền nhắc nhở cách khai thác mà không hủy hoại loại cây này.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật