Hải đồng bì trị phong thấp, nhức mỏi cơ thể, giúp bạn luôn khỏe khoắn

Hải đồng bì còn gọi thích đồng bì, mộc miên đồng bì, tên khoa học: Orientalis (L) Merr. Hải đồng bì là vỏ của cây vông nem, mọc hoang được trồng rải rác khắp nước ta, thường trồng để làm hàng rào. Để làm thuốc nên chọn vỏ cây to dày, phơi khô có màu nâu, không để lâu mốc, mất mùi là tốt. Ngày dùng 6-12g. Lá gọi hải đồng diệp, là vị thuốc an thần.

Theo Đông y, hải đồng bì vị đắng, cay, tính ôn. Vào kinh can. Có tác dụng khư phong, thông lạc, hóa thấp sát trùng Dùng trị chứng thắt lưng đùi do phong thấp nhức mỏi chân tay... Sau đây là một số phương thuốc có hải đồng bì:

Đau lưng đùi do phong thấp: hải đồng bì 16g. Sắc  hoặc ngâm rượu uống (Trung Quốc Dược học đại từ điển).

Vỏ cây vông nem cho vị thuốc hải đồng bì

Vỏ cây vông nem cho vị thuốc hải đồng bì

Đau nhức xương khớp do phong thấp: vỏ hải đồng bì, cỏ chân chim, kê huyết đằng, phòng kỷ ý dĩ sao, ngưu tất mỗi vị 15g. Sắc uống.

Trị trẻ nhỏ 4 - 5 tuổi mà chưa nói được: bổ cốt chỉ 0,4g, đương quy 0,8g, hải đồng bì 0,8g, mẫu đơn bì 0,8g, ngưu tất 0,8g, sơn thù 0,4g, thục địa 0,8g. Sắc uống (Hải Đồng Tán - Lê Hữu Trác).

Chữa phong ngứa: hải đồng bì, xà sàng tử, các vị bằng nhau tán bột trộn mỡ heo xức vào (Như Tuyên Phương).

Trị tay chân co rút: hải đồng bì, đương quy, mẫu đơn bì, thục địa ngưu tất mỗi thứ 30g sơn thù du, bổ cốt chỉ, mỗi thứ 15g. Tán bột, mỗi lần dùng 3g, thêm củ hành trắng và 2 chén nước. Sắc còn 1 bát, bỏ bã, uống nóng trước khi ăn (Hải Đồng Bì Tán).

Chữa đau nhức răng: hải đồng bì sắc lấy nước ngậm (Thánh Huệ Phương).

Chữa rong kinh kinh nguyệt không đều: hoa hải đồng bì 30g sắc uống (Trung Quốc Dược học đại từ điển).

Sau khi sinh, máu xấu đưa lên gây choáng đầu, mờ mắt: vỏ cây hải đồng bì già, lá mần tưới, vỏ màn chầu, ngưu tất, mỗi vị 10-15g, sắc uống.

Chữa rết hoặc rắn cắn: hải đồng bì tươi giả, đắp lên vết cắn (Trung Quốc Dược học đại từ điển).

Kiêng kỵ: người không có phong hàn, thấp tà thì cấm dùng.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật