Những điều cần phải biết về người cao tuổi với đời sống gia đình

Ở các nước châu Á, có khoảng 81% người cao tuổi sống với con cháu trong một gia đình nhiều thế hệ.

Theo một thống kê gần đây, ở các nước châu Á có khoảng 81% người cao tuổi sống với con cháu trong một gia đình nhiều thế hệ. Mô hình người cao tuổi sống chung với một trong những người con đã trưởng thành được coi là hệ thống hỗ trợ chủ yếu mang tính truyền thống.

Truyền thống dân tộc Việt Nam với nền tảng là đạo hiếu của Nho giáo cũng như triết lý của đạo Phật là phải kính trọng người già con cái luôn luôn phải có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ. Từ xa xưa, vào các thời kỳ lịch sử khác nhau, các triều đại phong kiến cũng đã có những quy định rõ ràng về việc con cháu và xã hội phải chăm lo, chăm sóc cuộc sống người già.

Ngược lại, rất nhiều người cao tuổi ở Việt Nam (khoảng >10%, tỷ lệ này ở nông thôn còn cao hơn) vẫn tiếp tục lao động kiếm sống và giúp đỡ nhiều việc trong gia đình. Người cao tuổi thực ra vẫn còn là chỗ dựa cho gia đình về tinh thần và làm những công việc lặt vặt không tên hàng ngày. Thực tế nhiều gia đình, khi con cháu đều bận làm việc, học hành, cha mẹ già thường trông nhà, giữ cháu, làm việc nội trợ và các công việc khác.

Cùng với việc người cao tuổi chuyển từ giai đoạn “chưa thật già” đến giai đoạn “thật già”, họ vẫn giúp được một lượng công việc nhà rất đáng kể để con cháu tập trung vào công tác học tập Trong hoàn cảnh mà thế hệ trẻ thường đi tìm việc làm xa nhà theo mùa vụ, vai trò của người cao tuổi trong việc duy trì sự ổn định của gia đình càng trở nên quan trọng, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.

Khi sử dụng biểu đồ công việc hàng ngày đánh giá công việc của các cụ, người ta thấy rằng, các cụ ông hàng ngày vẫn có lúc rảnh rỗi, trong khi các cụ bà luôn luôn bận rộn nhiều việc. Hơn nữa, các cụ bà còn luôn chăm sóc người khác, quan tâm đến người ốm, làm các công tác từ thiện, vun đắp tình làng nghĩa xóm…

Ở đâu cũng vậy, người cao tuổi luôn tiếp tục lao động đến chừng nào sức khỏe họ còn cho phép để tự lo liệu những nhu cầu tối thiểu của mình, cũng như hỗ trợ phần nào cho gia đình. Người cao tuổi thường đưa ra nhiều ý tưởng về các hoạt động để kiếm thu nhập, nếu họ được tiếp cận với nguồn vốn cũng như có thị trường cho sản phẩm. Phương cách kiếm sống của người cao tuổi ở thị thường có thu nhập bằng tiền, trong khi ở nông thôn, người cao tuổi vừa sản xuất lương thực vừa chăn nuôi gia súc…

Người cao tuổi được xem như những người duy trì và bảo vệ văn hóa và các giá trị truyền thống và còn đưa ra những lời khuyên quý báu về các hoạt động kiếm sống, chăn nuôi gia súc và cách đầu tư có hiệu quả. Họ đóng vai trò quan trọng trong các lễ hội, đám cưới, đám ma và chỉ bảo con cháu về các nghi thức, lễ nghĩa trong cuộc sống. Người cao tuổi còn thực hiện “nhiệm vụ của các bậc cao niên” như: động viên thế hệ trẻ thực hiện đúng chính sách của Nhà nước, nhắc nhở truyền thống cha ông để con cháu cố gắng vươn lên và hòa giải mâu thuẫn của con cháu và cả trong họ tộc.

Người cao tuổi phải dựa vào lớp trẻ một số công việc do bị hạn chế về sức lực, khả năng chịu đựng và thường bị một số bệnh mạn tính Sống cùng con cháu, người ta thấy rõ có sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai thế hệ. Con cháu là nguồn hỗ trợ chính cho người cao tuổi như tục ngữ ta có câu: “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít những trường hợp, người cao tuổi lại là nguồn hỗ trợ chủ yếu cho con cháu mình.

Lớp trẻ có mặt ưu việt về sức khỏe về khoa học kỹ thuật nhưng về mặt tri thức, khoa học xã hội, đặc biệt về thông hiểu truyền thống văn hóa dân tộc thì không bằng thế hệ cha ông. Người cao tuổi chính là lớp người nắm giữ kho báu về tri thức khoa học xã hội, về truyền thống văn hóa quý giá của dân tộc.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật