Một số bài thuốc dân gian chữa sơn ăn từ đông y hiệu quả

Cây sơn ta thường mọc ở vùng núi, thân cây có nhiều nhựa (chứa một chất đặc biệt) có tính kích thích mạnh, gây viêm da dị ứng. Những người có cơ địa mẫn cảm, hay dị ứng với chất lạ khi tiếp xúc với sơn ta hoặc ngửi mùi sơn ta dễ bị ngứa, vùng da tiếp xúc trực tiếp với sơn ta sẽ phồng rộp, mặt mũi sưng, cơ thể mệt mỏi,… Dân gian thường gọi là sơn ăn (hay lở sơn).

Để chữa sơn ăn cần dùng nước muối sinh lý 0,9% rửa vùng da bị tổn thương; Tránh gãi hoặc chà xát lên các chỗ da bị tổn thương. Có thể dùng các thuốc kháng histamin chống dị ứng giảm đau rát, giảm ngứa theo hướng dẫn của bác sĩ.

Ngoài ra có thể sử dụng một số bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian sau đây. Để điều trị hiệu quả nên kết hợp bài thuốc uống trong và dùng ngoài như sau:

Thuốc uống trong:

Bài 1:

Bồ công anh 20g, hoa kim ngân 20g, thổ phục linh 20g, sài đất 40g cam thảo đất 12g. Cho tất cả các vị trên vào ấm, đổ 500ml nước sắc còn 200ml. Người lớn uống hết một lần, còn trẻ em chia làm 2 - 3 uống trong ngày. Uống 3 ngày.

Bài 2:

Đỗ xanh sống 100g, hạt bo bo sống 50g táo tàu 7 quả. Tất cả rửa sạch, cho vào nồi thêm nước ninh nhừ, khi ăn thêm 50g đường trắng, ăn hết 1 lần. Ngày ăn 1 lần. Ăn 3-4 ngày.

Thuốc dùng ngoài:

Bài 1:

Lấy 200g lá khế chua cả cành non và hoa, vò nát, nấu với 4 lít nước, khi nước sôi bỏ vào một ít muối để xông. Xông xong dùng nước này để tắm, mỗi ngày một lần.

Bài 2:

Lấy quả sơn tra tươi lượng vừa đủ, thái lát, đun nước để tắm rửa.

Bài 3:

Vỏ núc nác tươi giã nát rượu trắng 30 độ, ngâm theo tỷ lệ 1 phần vỏ; 3 phần rượu, ngâm trong khoảng 2-3 giờ hoặc lâu hơn càng tốt. Dùng rượu này bôi vào vùng da bị sơn ăn. Ngày bôi 2-3 lần. Bôi 2-3 ngày.

Bài 4:

Lấy 1 kg lá sen khô, sắc lấy nước đặc rửa vùng da bị sơn ăn, ngày 2 - 3 lần.

Lưu ý:

Nếu dùng các bài thuốc trên sau khoảng 3 ngày không đỡ người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để điều trị, không tự ý mua thuốc sử dụng.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật