Thoái hóa xương sụn tuổi thiếu niên vô cùng nguy hiểm, bạn có biết?

Thoái hóa xương sụn thiếu niên (Juvenile Osteochondrosis) là một nhóm bệnh hay gặp ở trẻ em đang tuổi phát triển nhưng chưa rõ nguyên nhân. Người ta cho rằng có thể yếu tố vi chấn thương lặp đi lặp lại là nguyên nhân khởi phát bệnh. Từ đó dẫn đến sự giảm hay mất máu nuôi dưỡng tới vị trí trung tâm cốt hóa ở đầu xương của một số xương, gây tổn thương trung tâm cốt hóa, hoại tử tại chỗ, mọc xương tân tạo, hậu quả là xương phát triển không bình thường.

Các dạng thoái hóa xương sụn tuổi thiếu niên

Do trong quá trình phát triển, cơ thể có rất nhiều xương với nhiều điểm cốt hóa khác nhau cho nên bệnh có thể gặp ở rất nhiều vị trí với các tên bệnh khác nhau. Nhóm có tổn thương ở cột sống gọi là bệnh gù đau thiếu niên Scheuermann.

Nhóm có tổn thương ở khớp, xương như bệnh dẹt chỏm xương đùi có tổn thương ở chỏm xương đùi. Nhóm có tổn thương biểu hiện ở ngoài khớp hoặc không có đầy đủ những đặc điểm của nhóm bệnh thoái hóa xương sụn tuổi thiếu niên (do không còn ở tuổi thiếu niên hoặc do vị trí bệnh không đặc hiệu). Dấu hiệu nhận biết bệnh tương đối khó khăn do bệnh tiến triển âm ỉ, đau ít tại vị trí xương bị tổn thương. Đa số các các trường hợp mắc bệnh Sever hay bệnh Freiberg bệnh tự khỏi, không đau, xương không biến dạng. Ngược lại bệnh Legg- Perthes-Calve hay gây đau nhiều, để lại di chứng nặng nề, thường cần phải thay chỏm xương đùi.

Một số bệnh thường gặp

Thoái hóa xương sụn cột sống (Spinal Osteochondrosis) là một bệnh gây biến dạng cột sống ngực hoặc cột sống thắt lưng hay gặp ở trẻ em Lâm sàng bao gồm triệu chứng đau âm ỉ tại khu vực tổn thương, cảm giác tức nặng, thường cách quãng không liên tục và liên quan đến hoạt động thể lực giảm khi nghỉ ngơi. Khám bệnh nhân thấy gù cột sống, có thể có vẹo gây giảm, hạn chế vận động rõ co cơ cạnh cột sống, đặc biệt ở ngay trên và dưới vị trí gù. Các triệu chứng thần kinh do chèn ép hiếm khi gặp. Xét nghiệm thường không có bất thường. Hình ảnh Xquang điển hình của bệnh: trên phim nghiêng thấy hình gù cột sống, mất tư thế ưỡn; thân đốt sống hình chêm, tăng đường kính trước sau thân đốt, khe khớp giữa các đốt sống bị hẹp, có thể có calci hóa ở sụn khớp Bề mặt thân đốt sống không đều, có thoát vị nội khớp tạo thành hình ảnh khuyết ở bề mặt đốt sống (hạt Schmorl). Trên phim thẳng thấy cột sống có thể vẹo.

Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh Scheuermann bao gồm: cột sống gù tạo thành một góc trên 400, hẹp khe đốt sống kèm bất thường bề mặt thân đốt sống, góc xẹp hình chêm trên 500 của ít nhất 3 thân đốt sống kế tiếp. Điều trị bao gồm bảo tồn nội khoa và chỉnh hình ngoại khoa. Điều trị nội khoa phục hồi chức năng dùng thuốc giảm đau nghỉ ngơi, tránh công việc mang vác nặng. Khi gù nặng hơn cần mặc áo nẹp cột sống giữ cho lưng thẳng kèm các biện pháp phục hồi chức năng cột sống kết hợp thư giãn nghỉ ngơi, nằm trên giường cứng. Điều trị phẫu thuật ít khi chỉ định trong bệnh Scheuermann, chủ yếu khi đau nhiều không đáp ứng với điều trị bảo tồn nội khoa và gù gây mất thẩm mỹ. Nhìn chung điều trị cần căn cứ vào tuổi tác, mức độ biến dạng cột sống, mức độ đau và đánh giá hiệu quả chức năng đạt được sau mỗi giai đoạn.

Bệnh dẹt chỏm xương đùi: do tổn thương ở đĩa sụn phát triển ở đầu xương gần chỏm xương đùi. Bệnh hay gặp ở tuổi từ 3-12, hay gặp ở nam giới hơn (gấp 4-5 lần nữ). Tổn thương thường ở một bên, có thể gặp ở hai bên (15- 20% trường hợp). Triệu chứng đau tự nhiên ở khớp háng, gối hoặc vùng đùi, đi lại khập khiễng. Khám thấy hạn chế vận động khớp háng, đặc biệt động tác xoay trong hay dạng, có thể teo cơ nếu ở giai đoạn muộn. Chân tổn thương thường ngắn hơn chân lành. Xét nghiệm máu thường không phát hiện gì đặc biệt. Chụp Xquang khớp háng, đặc biệt ở tư thế dạng chân (chân ếch) có giá trị chẩn đoán: chỏm xương đùi bên tổn thương nhỏ hơn bên lành, có thể dẹt hẳn chỏm; có xơ hóa và hình ảnh giảm thấu quang ở vùng tổn thương dưới sụn; có thể có các nang xương nhỏ ở vùng cổ xương đùi.

Thường chia 5 giai đoạn tổn thương trên Xquang và tiến triển bệnh: giai đoạn ngừng phát triển của đầu xương biểu hiện bên tổn thương chỏm xương đùi nhỏ hơn, khe khớp rộng hơn; giai đoạn gãy xương dưới sụn: hình vạch tăng thấu quang ở vùng cổ nối với chỏm; tiêu xương; thoái hóa thứ phát với mọc xương tân tạo; giai đoạn ổn định. Mục đích điều trị: cải thiện, duy trì biên độ vận động khớp háng, giảm sức nén lên chỏm, giữ cho chỏm ở trong ổ cối, kéo giãn khớp háng tránh co cơ. Việc điều trị bao gồm nghỉ ngơi hợp lý, tránh vận động mạnh, tập phục hồi chức năng nẹp khớp háng khi cần để tránh trật khớp khỏi ổ cối thuốc điều trị triệu chứng giảm đau giãn cơ. Phẫu thuật chỉnh sửa những biến dạng nhiều ở chỏm xương, khi cần có thể xét thay khớp háng (thường khi trẻ đến tuổi trưởng thành). Nhìn chung tuổi khởi phát bệnh càng nhỏ tiên lượng càng tốt, khởi phát sau tuổi lên 10 thì trẻ dễ bị thoái hóa khớp háng thứ phát.  

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật