Sai lầm khi tự chữa hẹp bao quy đầu cho con gây hậu quả nghiêm trọng

Từng nhiều lần phẫu thuật hẹp bao quy đầu nên vợ chồng chị Thảo đã tự xử lý tại nhà.

'Hồi nhỏ, thằng lớn của mình bị hẹp bao quy đầu nặng, suốt ngày nó cứ nằm sấp chà sát cái chim xuống giường vì ngứa ngáy. Mẹ nhìn chịu không nổi nên bắt ba bé chữa ngay. Vì ba bé là bác sĩ ngoại khoa, cũng từng phẫu thuật hẹp bao quy đầu nhiều rồi nên tự tin làm cho con luôn', chị Phương Thảo, một bác sĩ thẩm mỹ ở TP HCM, mở đầu câu chuyện hai vợ chồng tự xử lý tật hẹp bao quy đầu cho con trai tại nhà.

Tuy nhiên, chính quyết định tự chữa cho bé thay vì đưa tới bác sĩ chuyên khoa lại là một sai lầm khiến chị Phương Thảo nhớ mãi. Chị không ngại chia sẻ câu chuyện này trên trang cá nhân của mình để thay cho lời nhắn nhủ với các phụ huynh đừng chủ quan khi bé bị hẹp bao quy đầu và ngay khi phát hiện ra điều bất thường, hay đưa bé tới khám ở bác sĩ khoa Niệu Nhi vì bản thân cả hai vợ chồng chị đều là bác sĩ nhưng không đúng chuyên ngành nên vẫn có thể làm sai.

Đa số bé trai đều bị hẹp bao quy đầu sinh lý khi mới chào đời, không nên vội vàng can thiệp ngoại khoa

Đa số bé trai đều bị hẹp bao quy đầu sinh lý khi mới chào đời, không nên vội vàng can thiệp ngoại khoa 

Chị viết: 'Cho bé uống giảm đau xong, hai ba mẹ phẫu thuật cho con. Ông ba xót con, sợ con đau trong lúc phẫu thuật nên tiêm thuốc tê hơi nhiều, phồng lên. Sau khi phẫu thuật quy đầu xong yên ổn, đến sáng hôm sau, cả hai người nhìn hết hồn vì con chim viêm to, sưng phồng. Còn thằng nhỏ khốn khổ, tự nhiên sáng thức dậy phát hiện cái chim của mình thật khủng khiếp. Mà tội nghiệp vô cùng, nó nằm im chịu trận không nhúc nhích. Vết thương sưng viêm ngày một trầm trọng hơn, da quy đầu còn lại bị thiếu máu nuôi hoại tử hết một phần. Mất cả 2 tháng trời mới lành, thằng nhỏ trong 2 tháng nằm ngủ thẳng người, không nghiêng qua nghiêng lại xíu nào, y như xác ướp. Và tiếp tục bị dính. Tiếp tục khổ hơn'.

Sau đó, chị Thảo phải đưa con đến bệnh viện và được hướng dẫn là theo quan niệm mới trong cách chữa thì chỉ tụt da dần dần chứ không phẫu thuật hẹp bao quy đầu cho trẻ dưới 6 tuổi. Khi con gặp vấn đề này, bố mẹ đưa con đến viện và bác sĩ sẽ dùng tay kéo tụt da cho bớt dính dần dần. Chi phí mỗi lần làm như thế chỉ có 10.000 đồng ở bệnh viện Nhi Đồng.

Cách nhận biết khi trẻ bị hẹp bao quy đầu

Cách nhận biết khi trẻ bị hẹp bao quy đầu

Hẹp bao quy đầu là tình trạng bao da bó chặt quy đầu, không thể lộn hoàn toàn ra khỏi quy đầu được. Đa số bé trai mới sinh đều bị hẹp bao quy đầu sinh lý và sẽ tự hết theo thời gian khi trẻ lớn lên. Số khác bị hẹp bao quy đầu bệnh lý khi có sẹo xơ, hình thành sau viêm nhiễm hoặc do cố gắng quá mạnh để nong bao quy đầu trước đó. Biểu hiện của hẹp bao quy đầu phổ biến là:

- Bao quy đầu không lộn hoặc khó lộn ra, ngứa ngáy, khó chịu.

- Trẻ thường bị viêm nhiễm bao quy đầu: Biểu hiện bao quy đầu sưng đỏ mọng nước, dân gian thường gọi là tầm bọt hay viêm đường tiết niệu (tiểu buốt, rắt...).

- Các chất tiết cô đọng lại thành hạt, mảng trắng sờ vào như hạt đậu hoặc vòng nhẫn cứng ở đầu dương vật

- Đối với trẻ vị thành niên thì dương vật bé và ngắn hơn bình thường.

Chữa hẹp bao quy đầu thường dùng tay nong ra từ từ, có thể kết hợp bôi thuốc mỡ chứa steroid, tiểu phẫu hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên, theo bác sĩ nhi khoa Trần Thu Thủy, với bé trai dưới 4 tuổi, không nên cố gắng nong bao quy đầu bằng tay vì có thể gây dính và sẹo xơ, dẫn tới hẹp bao quy đầu thứ phát.

Bé trai trên 4 tuổi, hoặc nhỏ hơn 4 tuổi nhưng có kèm các biểu hiện bất thường như tiểu khó (khi tiểu bé phải rặn, đỏ mặt hoặc khóc lóc, bao quy đầu phồng lên…) hoặc da quy đầu thường viêm nhiễm tấy đỏ thì nên lần lượt áp dụng hai biện pháp là nong bằng tay hoặc nong bằng tay kết hợp bôi thuốc mỡ chứa steroid trước khi chuyển sang các biện pháp can thiệp ngoại khoa. Trường hợp các biện pháp bảo tồn không mang lại kết quả, bác sĩ có thể tiến thành tiểu phẫu nong bao quy đầu hoặc phẫu thuật cắt bao quy đầu.

Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật