Thơm dẻo bánh giầy Mông trong ngày Tết cổ truyền

Bản Tà Phình, Mộc Châu (Sơn La) những ngày giáp tết cổ truyền luôn âm vang những tiếng chày cắc bụp vào máng gỗ, người Mông đang giã bánh giầy để chuẩn bị cho ngày tết cổ truyền.

Tết của người Mông ở Mộc Châu không giống như những nơi khác, người Mông nơi đây đón tết sớm hơm Tết Nguyên đán một tháng. Trong ngày tết ngoài rượu thịt, thì bánh giầy là thứ không thể thiếu trong mỗi bữa ăn ngày tết, của mọi gia đình Người Mông cũng chỉ giã bánh giầy ăn trong dịp tết hay lễ hội bởi đây còn là loại bánh mang nghi thức cúng lễ, tâm linh không thể thiếu trên ban thờ của các gia đình người Mông mỗi dịp tết đến, xuân về.

Theo tiếng Mông, bánh giầy có tên gọi là “Pé” hoặc “Dúa” tùy theo từng vùng khác nhau. Với người Kinh, bánh chưng bánh giầy là biểu tượng cho tết, cho Trái đất và bầu trời vuông tròn đầy đủ. Còn với người Mông, bánh giầy là biểu tượng cho tình yêu sự thủy chung son sắt của trai gái người Mông, bánh giầy còn tượng trưng cho Mặt trăng, Mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài. 

người Mông đang giã bánh giầy để chuẩn bị cho ngày tết cổ truyền

Người Mông đang giã bánh giầy để chuẩn bị cho ngày tết cổ truyền

Bánh giầy truyền thống của người Mông được làm từ gạo nếp nương thơm dẻo. Thóc nếp được chọn phải là nếp vùng cao không pha tạp. Gạo đồ xôi làm bánh giầy được giã thủ công, do vậy khi thóc phơi cũng phải đủ nhiệt độ để khi xay xát hạt gạo không bị gãy nát mà vẫn giữ được vị thơm ngon, còn nguyên lớp mịn bám ngoài hạt gạo để tăng hương thơm và độ dẻo cho bánh.

Khi làm bánh gạo nếp được vo qua, ngâm bằng nước suối từ 2 đến 3 tiếng, sau đó vớt ra để ráo nước rồi cho vào chõ đồ thành xôi. Chõ xôi ngày trước thường được làm bằng gỗ, cối giã bánh giầy cũng được làm bằng thân cây gỗ chắc thớ mịn và khoét rỗng ruột như chiếc thuyền độc mộc. 

Giã bánh giầy là một công việc nặng nhọc và đòi hỏi nhiều sức lực. Bởi vậy những người tham gia giã bánh thường là những người đàn ông thanh niên khỏe mạnh lực lưỡng. Họ tập hợp thành một nhóm khoảng chục người thay nhau giã, mỗi lần 2 người. Khi giã, những thanh niên người Mông khỏe mạnh dùng hai chiếc chầy gỗ có cán dài như chiếc rìu rồi luân phiên giã cho đến khi gạo quyện vào nhau, giã càng kỹ thì bánh càng dẻo và để được lâu, giã đến khi dẻo và mịn thì mới hoàn thành. Giã xong ở nhà này thì nhóm thanh niên lại cùng sang giã bên nhà khác.

Điều này cũng thể hiện tính đoàn kết, gắn bó, quan hệ họ hàng trong cộng đồng người Mông. Khi bánh đã giã xong phụ nữ chuẩn bị lá để gói bánh. Nguyên liệu để gói bánh là những tàu lá dong hoặc lá chuối rừng được rửa sạch, lau khô. Khi xôi đã nhuyễn và dẻo quánh thành một khối là lúc các bà, các chị khéo léo nặn thành những chiếc bánh tròn hoàn chỉnh. 

Bánh giầy không chỉ là món ăn đãi khách mà còn làm quà cho khách đến thăm nhà. Dù để lâu ngày bánh vẫn dẻo thơm, khi ăn thường nướng trên than hồng hoặc cắt như miếng bánh đúc rồi rán bằng mỡ lợn cho phồng lên, tạo một mùi thơm hấp dẫn. Bên mâm rượu, cùng hòa vị với những món ăn truyền thống vùng cao, bánh giầy luôn là món ăn hấp dẫn đối với bất cứ ai có mặt trong ngày tết cổ truyền đặc sắc của người Mông ở vùng cao.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật